Nguyên Hồng, tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh năm 1918 tại Vụ Bản, Nam Định trong một gia đình nghèo, mồ côi cha. Từ nhỏ, ông theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo. Hải Phòng được xem là quê hương văn học của ông, có tác động đặc biệt tới phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Ông thường dành tiền thuê sách đọc và dường như đọc hết những quyển sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa với những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán.
Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn Linh hồn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy. Một năm sau, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết Bỉ vỏ; tiếp đó là tiểu thuyết Qua những màn tối (1942), Đàn chim non (1943), Hơi thở tàn (1943)...
Xuân Diệu từng nhận xét về nhà văn Nguyên Hồng là "nhà văn có năng khiếu lớn". Dường như ông cứ đặt bút xuống là cuộc sống tự đổ tràn trên giấy với những chi tiết sinh động, ngồn ngột, phập phồng, tươi rói. Nhưng Nguyên Hồng viết tiểu thuyết bằng trái tim hơn là lý trí. Chỗ mạnh và chỗ yếu của ông chính là ở đây.
Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Ông từng bị mật thám bắt, đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Sau đó, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, hoạt động bí mật cùng các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng...
Ông tiếp tục sáng tác sau ngày đất nước thống nhất, với Khi đứa con ra đời (tiểu thuyết, xuất bản năm 1976), Núi rừng Yên Thế (tiểu thuyết, 1980), Những nhân vật ấy đã sống với tôi (hồi ký, 1978)...
Nguyên Hồng mất năm 1982, tại Bắc Giang. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.