Võ Thị Sáu (1933-1952) sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo sách Các vị nữ danh nhân Việt Nam của Nhà xuất bản trẻ, sau khi Pháp tái chiếm vùng Đất Đỏ vào cuối năm 1945, các anh trai của Sáu thoát ly gia đình, hoạt động kháng chiến. Chị bỏ dở việc học, ở nhà giúp cha mẹ kiếm sống và bí mật tiếp tế cho các anh, lúc đó công tác trong Chi đội Giải phóng quân của tỉnh Bà Rịa.
Khi tròn 14 tuổi, Sáu theo anh trai vào khu kháng chiến, trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ, vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa giao liên để nắm tình hình địch. Tuy nhỏ tuổi, chị rất gan dạ, từng dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền do Pháp tổ chức tại huyện, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên giặc.
Theo trang thông tin của huyện Đất Đỏ, tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại huyện nhà, Võ Thị Sáu bị quân Pháp bắt, đưa vào nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa. Chị bị quân Pháp tra tấn dã man, nhưng không khai.
Thời điểm xử án, chị chưa tròn 18 tuổi nên các luật sư căn cứ vào điểm này nhằm đưa chị thoát khỏi án tử hình. Tuy vậy, tòa án Pháp không chấp nhận. Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ tại Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành án. Chúng tiếp tục giam cầm và đợi đến khi chị qua 18 tuổi để tử hình. Chị Sáu hy sinh ngày 23/1/1952.
Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng Võ Thị Sáu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì "đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ công an, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng". Chị Sáu là nữ anh hùng trẻ nhất được trao danh hiệu này.
Câu 2: Mộ của Võ Thị Sáu được đặt tại đảo nào?