Theo Double Noble, người đầu tiên trong lịch sử đoạt giải Nobel ở hai lĩnh vực là nhà khoa học Ba Lan - Pháp Marie Skłodowska Curie (1867-1934), nhờ những đóng góp trong Vật lý và Hóa học.
Bà suýt không được nhận giải thưởng đầu tiên chỉ vì là phụ nữ. Năm 1903, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp chỉ đề cử hai nhà nghiên cứu Pháp là Henri Becquerel và Pierre Curie (chồng Marie Curie) cho giải Nobel Vật Lý. Khi biết thông tin, nhà toán học Thụy Điển Gösta Mittag-Leffler vô cùng tức giận và đã khuyên Pierre lên tiếng.
Pierre viết thư phản hồi: “Nếu đúng là người ta đang nghiêm túc suy nghĩ đến việc trao giải thưởng cho tôi, tôi rất muốn được xem xét cùng Marie với nghiên cứu về hiện tượng phóng xạ. Vai trò của cô ấy trong phát hiện này là rất quan trọng”.
Sau nhiều tranh cãi, Marie được đưa vào danh sách đề cử. Tháng 12/1903, ba nhà khoa học (Becquerel và vợ chồng Curie) cùng được trao giải thưởng uy tín. Becquerel đã phát hiện ra phóng xạ từ chất urani, trên cơ sở đó vợ chồng Curie nghiên cứu mở rộng về các vật chất phóng xạ.
![Ảnh: El Periódico](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/04/27/marie-curie-1-3487-1524813272.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mLDvesY69GtRMolnzSqrbw)
Ảnh: El Periódico
Tại lễ trao giải Nobel Vật lý, không ai đề cập đến việc phát hiện ra poloni và radi của vợ chồng Curie, bởi các nhà hóa học trong ủy ban đề cử khẳng định công trình này xứng đáng được trao giải Nobel Hóa học trong tương lai.
Đúng như những gì dự đoán, giải Nobel thứ hai trong lĩnh vực hóa học đến với Marie Curie ngày 10/12/1911. Do cái chết bất ngờ của Pierre năm 1906, giải thưởng này thuộc về một mình Marie. Hai chất poloni và radi do vợ chồng Curie khám khá đều có tính phóng xạ cao hơn urani.
Về sau, con gái của hai người là Iréne Joliot-Curie tiếp nối truyền thống gia đình bằng một giải Nobel Hóa học cùng chồng năm 1935.
Câu 2: Marie Curie từng là học sinh kém và bị đúp, đúng hay sai?