Ngư Tiều y thuật vấn đáp (Ông Ngư, ông Tiều hỏi đáp về thuật chữa bệnh) được Nguyễn Đình Chiểu viết vào thời cuối, trước khi ông qua đời, được lưu truyền trong hai tỉnh Bến Tre và Mỹ Tho. Năm 1952, tác phẩm được in ở Sài Gòn với hơn 3.600 câu lục bát, 21 bài thơ Đường luật cùng một số bài thuốc. Có nhiều dị bản trong công chúng ở Nam Kỳ.
Ngư Tiều y thuật vấn đáp gồm nội dung y học, văn học, văn bản có phần viết bằng chữ Hán, có phần chữ Nôm. Các nhân vật chính trong tác phẩm: Mộng Thê Triền (sống trong mộng, vợ quấn quýt ràng buộc); Bào Tử Phược (thân như bọt, bị con trói buộc); Đường Nhập Môn (đã vào cửa Đạo, đời Đường, Nghiêu); Chu Đạo Dẫn (dẫn lối vào đạo nhà Chu); Kỳ Nhân Sư (ông thầy dạy điều nhân). Thời đại trong tác phẩm là thời loạn, các nho sĩ đều muốn "ôm tài giấu tiếng" làm ông Ngư, ông Tiều.
Xúc cảnh hay còn gọi là Ngóng gió đông, là bài thơ được trích trong cuốn Ngư Tiều y thuật vấn đáp, do nhân vật Đường Nhập Môn đọc.
Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,
Chúa xuân đâu hỡi, có hay không?
Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung.
Chừng nào thánh đế ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.
Lớp nghĩa thứ nhất là biểu hiện tấm lòng yêu nước của nhân vật Đường Nhập Môn, lớp nghĩa thứ hai là tấm lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ gửi thông điệp về tấm lòng son sắt, trung trinh với đất nước và niềm tin, hy vọng quê hương sẽ sạch bóng quân xâm lược của nhà thơ.