Ông Hoàng Ngọc Nhất là Thứ trưởng phụ trách mảng cải tạo - giam giữ. Ngày 4/10/1997, một tuần sau khi quyết định trên được ký, Năm Cam ung dung ra khỏi trại cải tạo Thanh Hà (Vĩnh Phúc), mà như y nói là “trong niềm hân hoan không thể tả nổi”.
Theo hồ sơ lưu trữ, ngày 9/9/1997, Cục Quản lý giam giữ - cải tạo (V26) nhận được công văn “nhất trí việc tha Năm Cam trước thời hạn tập trung cải tạo” của Vụ Kiểm sát giam giữ - cải tạo (VKSND Tối cao). Kế đó, ngày 26/9/1997, trong điện phúc đáp V26, Phó giám đốc Công an TP HCM Thân Thành Huyện không có ý kiến phản đối, và còn nêu: “Nếu Năm Cam được tha trước thời hạn, đề nghị thông báo thời gian ra trại để Công an TP HCM có biện pháp nghiệp vụ quản lý đối tượng”.
Trước khi ông Hoàng Ngọc Nhất ký quyết định tha trước thời hạn cho Năm Cam, đã có vô số cuộc họp, vô số công văn trao đổi qua lại giữa các cơ quan thi hành luật pháp. Trong số đó, có một văn bản của một Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công an 4 tháng trước khi Năm Cam được ra khỏi trại. Công văn nói rõ: Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Phan Thị Trúc (vợ Trương Văn Cam), Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an xem xét và báo cáo trước ngày 25/5/1997 để “trình Thủ tướng xem xét, quyết định”. Sau đó vài ngày, Thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhất đã có báo cáo giải trình chi tiết, và “xin ý kiến Chính phủ về việc tha trước thời hạn tập trung cải tạo cho Trương Văn Cam”.
Nhưng cũng giống như báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an Võ Thái Hòa trước đó (trả lời VKSND Tối cao về việc bắt giữ Năm Cam), một lần nữa báo cáo của Thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhất (ký ngày 24/5/1997) cũng không đến được tay Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và cũng không có hồi âm gì.
Về ý kiến của Thứ trưởng Lê Thế Tiệm trong việc tha Năm Cam, hôm qua, thiếu tướng Nguyễn Việt Thành khẳng định: “Cho tới giờ cuối cùng, đồng chí Tiệm vẫn yêu cầu giam Năm Cam đủ thời hạn 3 năm”.
Vào năm 1997, từ lá đơn xin được tha trước thời hạn của vợ chồng Năm Cam, Cục V26 đã có báo cáo số 403 ngày 26/3/1997 do đại tá Đỗ Năm, Cục trưởng Cục V26 ký gửi lãnh đạo Bộ Công an. Bộ trưởng đã giao báo cáo này cho Thứ trưởng Lê Thế Tiệm cho ý kiến, và Thứ trưởng đã giao cho Tổng cục Cảnh sát đề xuất. Tổng cục lại giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra làm báo cáo số 765 do Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (C16) Trần Văn Nho ký ngày 7/4/1997, với nội dung: “C16 thấy Trương Văn Cam là một đối tượng rất nguy hiểm cho an ninh trật tự xã hội và phức tạp, việc tập trung cải tạo đối với y cần theo đúng quy định của Nghị quyết số 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thời hạn 3 năm. Vì vậy, không thể xét tha Trương Văn Cam trước thời hạn mà phải bắt y thực hiện đủ thời hạn giáo dục được ghi trong Quyết định số 73 ngày 20/5/1995 của UBND TP HCM. Nếu xét tha trước thời hạn thì Bộ phải có báo cáo xin chỉ thị của Thủ tướng”.
Ngay ngày hôm sau (8/4/1997), thiếu tướng Lê Thế Tiệm đã có bút phê vào báo cáo 765: “Đồng ý đề xuất của C16”. Ngày 10/4/1997, Cục Cảnh sát điều tra đã có công văn số 780 truyền đạt ý kiến này của Thứ trưởng Lê Thế Tiệm.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)