Rồi hãy tưởng tượng có ai đó gõ cửa nhà bạn và nói rằng sẽ cung cấp miễn phí toàn bộ nhiên liệu, để bạn không tốn tới hơn 25 triệu đồng mỗi tháng (nhiều nhà hàng ở Việt Nam thậm chí mất gấp đôi số tiền này) để mua gas. Người này cũng nói sẽ chở toàn bộ thức ăn thừa chỗ bạn đi nơi khác mà không tính phí một xu. Một đề nghị như thế, liệu bạn có từ chối được không? Tôi cho là không.
Hãy suy nghĩ về điều đó. Nhà hàng sẽ không còn phải đốt nhiên liệu hóa thạch để nấu, đun, nướng hay chiên. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng lò đốt khí hóa (gasifiers) kết hợp than sinh học - thiết bị dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn về phát thải của Tổ chức Y tế Thế giới. Những lò đốt với đĩa đốt trên và dưới này sử dụng viên nén gỗ hoặc trấu, nhiên liệu xanh được tạo ra từ trấu hoặc vụn gỗ xay nhuyễn và nén chặt bằng máy nén áp suất cao, cung cấp nhiệt lượng từ 700 đến 1.000 độ C trong khoảng thời gian tùy chỉnh.
Một tấn viên nén trấu được đốt cháy sẽ tạo khoảng 400 kg than sinh học (biochar) vỏ trấu. Một tấn than sinh học chất lượng cao trên thị trường Việt Nam có giá khoảng 25 triệu đồng. 400 kg than sinh học vỏ trấu có giá khoảng 10 triệu đồng. Chi phí để sản xuất một tấn viên nén trấu là một triệu đồng.
Như vậy, quá trình đốt cháy viên nén trấu tạo giá trị gia tăng gấp 10 lần. Nhà hàng có nhiên liệu miễn phí, nhưng người cung cấp viên nén trấu để đổi lấy than sinh học cũng kiếm được bộn tiền.
Ước tính, Việt Nam có 9 triệu tấn trấu và 97 triệu tấn rơm rạ mỗi năm - tất cả đều có thể dùng để sản xuất viên nén đốt. Nhưng số này phần lớn đang bị vứt bỏ hoặc đốt cháy vô ích, hun thành khói ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.
Người gõ cửa nhà hàng còn cung cấp thùng lên men bằng thép không gỉ có trang bị van bướm. Hãy lưu ý rằng quá trình lên men phần lớn diễn ra trong nhà hàng. Các thùng lên men chứa đầy chất thải thực phẩm có thể được để trong nhà hàng vài tuần mà không bị hư hỏng hoặc cần phải làm lạnh. Chất thải thực phẩm lên men dễ dàng thay thế thức ăn thương mại như bột ngô, đậu nành.
Than sinh học do nhà hàng sản xuất được thêm vào thức ăn thừa lên men để tạo nhiều không gian cho vi khuẩn lên men thực hiện công việc của chúng. Than sinh học chất lượng cao có thể có diện tích bề mặt từ 250 đến 660 mét vuông mỗi gam. Không gian rộng lớn này giúp tăng cường và đẩy nhanh quá trình lên men một cách đáng kể.
Bây giờ, ta cần hình dung rõ hơn về người gõ cửa. Không phải là một cá nhân cụ thể, mà là một doanh nghiệp. Họ làm việc với những người nông dân, đào tạo, trang bị kiến thức và chuyển giao công nghệ cho người nông dân. Họ cũng lo khâu vận chuyển, logistic giữa nông dân với các nhà hàng.
Thức ăn thừa, than sinh học từ nhà hàng đến nông dân, và thực phẩm từ nông dân cung cấp trở lại nhà hàng. Xe tải không bao giờ phải chạy không, và tất cả khía cạnh của sản xuất và tiêu thụ thực phẩm được địa phương hóa.
Tôi đề xuất rằng những người gõ cửa này kiếm được 20% từ việc bán thực phẩm cho nhà hàng và nông dân kiếm được 80%. Một số nông dân gần Đà Lạt kiếm được trung bình không hơn 175 USD mỗi năm, nhiều người thậm chí sa lầy vào nợ nần cho vay nặng lãi và không kiếm được gì từ năm này sang năm khác.
Với việc ứng dụng quy trình này, trong tương lai, nếu có 100 nông dân tham gia và nếu mỗi nông dân sản xuất khoảng một tỷ đồng (40.000 USD) thực phẩm mỗi năm thì ba người phụ nữ này có thể kiếm được 20 tỷ đồng (800.000 USD) mỗi năm.
Thật dễ dàng để tưởng tượng rằng những người nông dân, với khoảng một ha đất trồng xen canh, có thể sản xuất gấp đôi lượng lương thực này và do đó kiếm được gấp đôi số tiền nêu trên.
Những người nông dân không phải mua phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm, thuốc kháng sinh hoặc hormone tăng trưởng trong việc chăn nuôi cây trồng và vật nuôi. Ở những trang trại này, nhiều hệ thống thực vật hỗ trợ nhiều hệ thống động vật và ngược lại. Gia cầm và động vật được nuôi trong nhà trên nền không mùi, không ruồi và không bệnh tật, nơi đáp ứng tất cả các nhu cầu về sự thoải mái, hành vi và dinh dưỡng của chúng.
Phân tươi của lợn ăn thức ăn thừa đã lên men có thể được thu gom hàng ngày ngoài chuồng. Sau đó, nó có thể được lên men giống như chất thải thực phẩm và cho gà hoặc vịt ăn. Phân của gà hoặc vịt có thể được cho cá ăn và nước thải của cá có thể được chuyển đến cây trồng (aquaponics). Chất thải của lợn, gà, vịt hoặc cá có thể tạo ra nhiều giá trị hơn trong suốt vòng đời của nó so với khi sinh vật đó được bán.
Nước tiểu của lợn được cố định bằng phương pháp mesophic trên nền chuồng và một phần tốt của nền chuồng được chuyển hóa thành sinh khối vi sinh vật có hàm lượng protein thô cao. Người nông dân tận dụng chất độn chuồng đã qua sử dụng để bón cho cây trồng trên đất.
Tóm lại, nhà hàng có thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý. Chi phí chôn lấp chất thải thực phẩm được loại bỏ. Những bên trung gian được lợi liên quan đến việc bán thức ăn, phân bón, nhiên liệu và than sinh học cho nông dân cũng như những người trung gian thu mua ép giá thực phẩm từ nông dân cũng bị loại bỏ. Chợ, siêu thị và thậm chí cả chợ nông sản đều nằm ngoài tầm ảnh hưởng.
Gas đóng bình sẽ trở thành quá khứ và những bãi chôn lấp hôi thối thải ra 16% tổng lượng khí mê-tan trên thế giới cũng vậy. Việc đốt rác thải nông nghiệp và rác thải lâm nghiệp vô ích được loại bỏ. Nhiên liệu hóa thạch không còn cần thiết để nấu ăn và có thể được để lại trên mặt đất nơi chúng thuộc về.
Những gì tôi đã nêu ở trên không phải là một tổ chức từ thiện mà là một doanh nghiệp lớn có nền tảng vững chắc trong việc biến đổi chất thải ở mức cao nhất có thể. Ở đây chúng ta có một chiến lược đơn giản, trong đó giá trị thị trường của thực phẩm không được phép bỏ qua các vấn đề rộng hơn liên quan đến an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, công bằng lương thực, chủ quyền lương thực, bất bình đẳng thu nhập, sức khỏe môi trường và đa dạng sinh học của hành tinh chúng ta.
Điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi con người không lãng phí rác thải và sống hòa hợp với thế giới tự nhiên.
Công nghệ sản xuất và các ứng dụng với viên nén nhiên liệu đã không còn là điều gì mới mẻ trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam hiện là nhà cung cấp viên nén thứ hai thế giới. Điều tôi tiếc nuối là ở một đất nước tiềm năng như Việt Nam, viên nén đốt vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các nhà hàng, bếp nấu quy mô lớn.
Việc chuyển đổi vận hành tất nhiên sẽ có những khó khăn ban đầu - một đòi hỏi tất yếu với những điều mới mẻ, chẳng hạn như việc phải thay đổi hệ thống bếp. Nhưng hiện tại, thị trường đã bắt đầu cung cấp các loại bếp đốt đa dạng, phù hợp với các nhu cầu đun nấu và thời gian sử dụng.
Vấn đề là "ai sẽ gõ cửa" và nhà hàng nào sẽ mở cửa để sẵn sàng một quy trình sản xuất - tiêu dùng mới?
Paul A. Olivier