Trong lễ ra mắt ngày 1/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Tấn công mạng lan rất nhanh, do đó, cần chuyển từ bảo vệ thụ động sang bảo vệ chủ động nhằm ngăn ngừa các hành vi tấn công trước cả khi chúng xảy ra, từ đó mới giảm thiểu được nguy cơ thiệt hại".
Theo người đứng đầu Cục An toàn thông tin, nếu chỉ mua sắm công nghệ, giải pháp thì sẽ không đủ. An toàn thông tin phải có sự kết hợp giữa ba yếu tố là công nghệ, con người và quy trình.
Dịch vụ giám sát an toàn thông tin Vadar của công ty an ninh mạng VSEC được nhận định kết hợp cả ba yếu tố nêu trên. Hệ thống có khả năng cảnh báo ngay lập tức tới quản trị viên về những dấu hiệu bất thường, như lỗ hổng bảo mật, mã độc, sự thay đổi file cấu hình, file log, điểm yếu của hệ thống... Từ đó, quản trị viên có thể ngăn chặn và ứng phó kịp thời các với sự cố.
"Điểm khác biệt của giải pháp nằm ở khả năng phân tích và lọc thông tin trước khi gửi cảnh báo tới người quản trị hệ thống", ông Trương Đức Lượng, đại diện VSEC, cho hay. "Với công nghệ máy học hỗ trợ sàng lọc và kiểm tra các sự kiện xảy ra trong hạ tầng công nghệ thông tin, các cảnh báo được đưa ra chính xác, hạn chế việc bỏ sót hành vi bất thường. Độ chính xác cũng được tăng dần theo thời gian cùng với lượng thông tin mà AI tích lũy được".
VSEC chia sẻ, họ từng tham gia ứng cứu một số trang thông tin tại Việt Nam khi file cấu hình hệ thống bị chỉnh sửa bất thường, nghi vấn do tin tặc tấn công xâm nhập trái phép. Kẻ tấn công có thể sửa hoặc đăng nội dung xấu lên trang, gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu. Nguyên nhân chủ yếu của những sự cố này là các website chưa có công cụ giám sát về an toàn thông tin, không dành sự quan tâm đúng mức cho hoạt động bảo mật.
"An toàn thông tin là yếu tố sống còn khi đất nước bước vào thời kỳ chuyển đổi số. Tự chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin là giải pháp căn cơ nhất. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực hưởng ứng theo chỉ đạo của Bộ TT&TT", ông Phúc nhấn mạnh.