Nếu được phép tịch thu thì phải tuân theo quy định pháp luật nào, hoặc phải dùng các biện pháp gì để đảm bảo tính công khai minh bạch khi tịch thu hàng hóa, vật dụng của người bán hàng rong?
Luật sư trả lời
Việc bán hàng rong là hành vi vi phạm hành chính. Khoản 1 điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Công an trật tự, tổ dân phòng giúp việc đi cùng lực lương công an có quyền buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Khi xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền cần phải lập biên bản hoặc có thể không phải lập biên bản nếu thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Tuy nhiên điểm b, khoản 1 điều 3 Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật". Mọi hoạt động của người có thẩm quyền chỉ được thực hiện những điều pháp luật cho phép.
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP không có quy định hình thức khắc phục hậu quả tịch thu hàng hóa vi phạm. Do vậy hành vi tịch thu hàng hóa trong trường hợp này là biện pháp không được quy định trong luật.
Dẫu biết rằng cơ quan chức năng phải đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị nên phải xử lý các trường hợp bán hàng rong có vi phạm, tuy nhiên không thể vì lý do đó mà người thực thi pháp luật có hành động tùy tiện, không có căn cứ pháp luật.
Luật sư Quách Thành Lực
Công ty Luật TNHH LSX