Năm 766, Đỗ Phủ đang ngụ cư ở Quỳ Châu, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, đã sáng tác chùm thơ Thu hứng gồm 8 bài. Dưới đây là bài thứ nhất của chùm thơ:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
Nguyễn Công Trứ dịch như sau:
Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.
Cây phong là loại cây mùa thu lá chuyển sang màu đỏ nên thường được các nhà thơ dùng để tượng trưng cho mùa thu với hình ảnh "rừng phong nhuốm đỏ".
Câu cuối "Thành Bạch, chày vang bóng ác tà" nói về tiếng chày đập áo. Ở Trung Quốc, vải để may áo rét thường rất dày và cứng nên khi giặt phải ngâm nước, để lên tảng đá và dùng chày đập cho mềm. Mùa thu người ta thường đập vải để may áo chống rét, đặc biệt gửi cho lính trấn thủ ở biên cương. Bởi vậy tiếng chày đập áo trong bóng hoàng hôn là âm thanh đặc trưng của mùa thu và thường gợi nỗi buồn da diết.
Bài thơ là nỗi lòng riêng tư của Đỗ Phủ nhưng chan chứa tâm sự yêu nước, thương nhớ. Nghệ thuật thơ Đường ở bài này đạt tới trình độ mẫu mực.