Nghị Hách là nhân vật trong tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, trong khi đó Nghị Quế trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.
Tiểu thuyết Giông tố xuất bản 1936, khi đăng trên Hà Nội báo có tên Thị Mịch. Tác phẩm dài 30 chương và thêm một đoạn kết.
Trong bài viết trên báo Nhân dân, số ra ngày 27/10/1956, Nguyễn Tuân cho biết như lời Vũ Trọng Phụng ghi vào lòng truyện, sự việc mở ra vào tháng 10/1932 và kết thúc vào mùa hè 1933. Những niên hiệu này nói lại rất nhiều về hoàn cảnh chính trị và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Tiểu thuyết gồm nhiều thứ người, từ thôn quê, thành thị và cả nhân vật từ quê ra tỉnh. Có người là thôn nữ bị bán làm lẽ thứ mười hai cho nhà giàu, có người là thư ký, có người là du thủ du thực, có người là gái tân thời, có người là đốc học, có người làm cách mạng.
Nhưng trội lên hết để người đọc suy nghĩ, đặt thành vấn đề thì có hai nhân vật Thị Mịch và Nghị Hách. Họ là nhân vật tiêu biểu cho những kẻ chỉ sống với đồng tiền, lấy đồng tiền ra mà bắt nạt, điều khiển cuộc sống, đặt cho cuộc sống một khuôn phép.
Theo Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng trong nhà trường, tiểu thuyết này đã xây dựng được một điển hình: một tên địa chủ, đại ác, đại dâm và đại gian hùng. Về quan hệ xã hội, Nghị Hách đầy quyền lực để đảo ngược công lý do có quan hệ với thực dân, quan lại. Về quan hệ gia đình, hắn có thể dựa vào sự loạn luân của con cái để quảng cáo cho "óc bình dân" đang là mốt của thời đó.
Về Vũ Trọng Phụng, các tác giả của từ điển trên đánh giá, ông là tài năng lớn, không ai phủ nhận được. Cuộc đời ông ngắn ngủi nhưng đã để lại sự nghiệp văn chương phong phú, trong đó có những kiệt tác.
Song về tư tưởng, ông cũng là một hiện tượng phức tạp. Vũ Trọng Phụng là người được bàn đến nhiều nhất nhưng ít được hiểu đúng. Có thể xem ông như một trường hợp thử thách gay gắt với các nhà nghiên cứu về quan điểm và phương pháp khoa học, về thái độ trung thực với chân lý.