Năm 1854, Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Cự (thuộc dòng dõi nhà Lê) chống lại triều Nguyễn với vai trò Quốc sư. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Mỹ Lương (Hà Tây) sau đó phát triển đánh phá ở hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa.
Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện Kim Bảng (Hà Nam). Đích thân Cao Bá Quát chỉ huy nghĩa quân đánh phá huyện Yên Sơn (năm 1855) và hy sinh trong trận chiến này. Vua Tự Đức sau đó trừng phạt Cao Bá Quát bằng cách tru di tam tộc dòng họ Cao.
Dù bị án với triều đình, văn thơ bị cấm lưu hành và hủy bỏ, nhưng các tác phẩm của ông bằng cách nào đó vẫn được lưu truyền nhiều như: Cao Bá Quát thi tập, Cao Bá Quát thần di cảo, Cao Chu thần thi tập...
Câu chuyện về cuộc đời bi tráng, luôn khẳng khái chống lại cái xấu của Cao Bá Quát được người đời ca tụng. Nhà văn Nguyễn Tuân (ở thế kỷ 20) đã lấy nguyên hình tượng của ông, làm nguồn cảm hứng sáng tạo nhân vật Huấn Cao. Theo các nhà phê bình văn học, Huấn Cao là con người đại diện cho cái đẹp, từ tài viết chữ của một nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu, tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp.
Một con phố ở quận trung tâm Hà Nội - Ba Đình đã được đặt theo tên "ông thánh thơ ngông" Cao Bá Quát này.
>>Quay lại