Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, cái tên chính thức của ngày lễ này, có lẽ là ngày lễ ồn ào nhất dành cho một ngành nghề.
Ngày tôi còn đi học thì ngày lễ này thực sự vui vẻ và mệt mỏi. Các hoạt động kỷ niệm của trường thường sẽ có một buổi lễ, trong đó giáo viên và học sinh cùng ngồi dưới cái nắng gay gắt để nghe diễn văn và phát biểu cảm nghĩ đã được viết từ trước và đọc đi đọc lại.
Tới giờ thì tôi vẫn nhớ là thầy hiệu trưởng sẽ phát biểu chào mừng, giới thiệu quan khách. Một vị quan chức nào đó sẽ đọc diễn văn ca ngợi nghề giáo, một đại diện phụ huynh học sinh cũng sẽ đọc diễn văn, một học sinh sẽ đọc một bài phát biểu, rồi cài hoa hồng cho giáo viên, và sau cùng là vài tiếc mục ca nhạc của các em nhỏ trong trường.
Học sinh sẽ đi thăm giáo viên và tặng quà, thường là những món quà không có nhiều giá trị vật chất do cả lớp góp tiền để mua. Đây là tiết mục ít căng thẳng nhất và đôi khi rất buồn cười.
>> Để đam mê dạy học không lụi tàn
Một năm nọ, nhóm học thêm tiếng Anh của tôi tặng cô giáo một món quà trong cái hộp gói kĩ. Cô hỏi rằng liệu trong đó có món gì dễ vỡ hay không. Hóa ra năm trước cô được tặng chiếc bánh kem trong hộp nhưng không biết, cô để lên xe máy chạy trên đường ổ gà, về tới nơi thì bánh một đằng kem một nẻo.
Giờ thì người ta đưa phong bì. Lý do là mua quà thì cũng tốn kém, thôi thì cứ đưa tiền, thầy cô thích gì thì mua. Hay là có bao nhiêu đó, có ai giàu có vì mấy cái phong bì đâu. Hay là đồng tiền đi trứơc là đồng tiền khôn...
Tôi chắc chắn là các vị phụ huynh nghĩ xa đó sẽ làm tất cả để cho con đi học ở một ngôi trường không có phong bì. Ở Việt Nam thì các trường quốc tế, ai có điều kiện hơn thì đưa con đi học ở nước phát triển. Lý do duy nhất khiến họ đưa phong bì là bởi vì họ không đủ điều kiện để đưa con tới một môi trường giáo dục không phong bì.
>> Khi phụ huynh 'dạy' con tặng phong bì cô giáo
Câu chuyện đưa hay nhận phong bì trong học đường nó giống như con gà và quả trứng. Chả ai biết cái nào có trước, chỉ biết rằng bây giờ thì chúng hiện hữu và đã có một thời chúng không tồn tại. Tôi cho rằng nó có liên quan tới quá trình tiến hóa của nền kinh tế.
Giáo dục được xếp vào ngành dịch vụ nhưng nó đặc biệt ở chỗ là nó vừa là dịch vụ công vừa là dịch vụ tư. Trong mọi ngành dịch vụ thì tiền lương phải tương xứng mới mong dịch vụ tốt. Cái này thì ai cũng công nhận, bởi vì ai cũng cho rằng chế độ lương bổng của giáo viên quá thấp so với mặt bằng cuộc sống.
Để bù trừ vào đó, cả người cung cấp dịch vụ lẫn người tiêu dùng dịch vụ đều nghĩ ra nhiều cách khác nhau. Giáo viên thì dạy thêm - một cách kiếm thêm tương đối trong sáng nếu như các em không học thêm không bị đì. Học sinh hay đúng hơn là cha mẹ học sinh thì quà cáp phong bì, họ coi như xuất phát từ lòng biết ơn.
Khoảng trống kinh tế do cơ chế tạo nên đã được lấp đầy bằng những "sáng kiến" gây khổ cho cả thầy lẫn trò. Những xung đột lợi ích, nghe thì có vẻ cao siêu nhưng lại hiển hiện hằng ngày được bình thường hóa. Và vì vậy, các em nhỏ được nuôi dưỡng và dạy dỗ từ trong tấm bé trong môi trường đầy phong bì.
>> 'Văn hóa phong bì đã ngụy trang thành lòng biết ơn'
Nước Mỹ là cái nơi mà người sử dụng dịch vụ cho thêm tiền người cung cấp dịch vụ nhiều nhất. Tuy vậy, những dịch vụ đó thì ai cũng rõ là cái gì: ăn uống, dọn dẹp, làm đẹp, mang vác, lái xe. Đó là những dịch vụ mà nếu bạn quay về chừng hai trăm năm trước đều là do những người "hầu hạ" làm cho chủ.
Không ai thưởng tiền cho những người làm "việc quan", những người làm chủ buôn bán, hay thầy giáo và bác sĩ. Đây không phải là "người hầu" và họ phải được trả những món tiền đã được thỏa thuận trước, chứ không phải trông chờ vào lòng thương xót của các "chủ".
Cái phong bì làm đảo lộn các mối quan hệ và dạy dỗ các em về việc đưa hối lộ từ lúc bé. Rồi người ta lại xoay ra trách móc lẫn nhau về chuyện tỷ lệ tham nhũng cao hay các thầy cô "không có tâm". Giải pháp thì chỉ có tăng lương, nhưng ngân sách đâu ra lại là chuyện khác.
Lúc này thì tôi nhớ tới mấy khoản phụ thu đầu năm của trường để mua bảng mới, mua điều hòa mới...
Tôi tự hỏi không biết có phần nào được dùng để nâng cao chất lượng giảng dạy hay không? Nếu có thì chắc tôi cũng không dám trách nhà trường. Nói cho cùng thì đó cũng là một "sáng kiến" để lấp đầy khoảng trống kinh tế cứ mãi rộng ra trong ngành giáo dục Việt Nam.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.