"Cần lắm bàn tay nâng đỡ dịu dàng" là nội dung của tọa đàm trong lễ bế mạc tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM, tối 26/8. Mở đầu pháp thoại, sư Minh Niệm nói đến sự vô thường của đời sống, những nguy cơ có thể xảy ra, trong đó Covid-19 chỉ là một biến số. Hơn hai năm qua, đại dịch không chỉ cướp đi tính mạng của hơn 40.000 người Việt, gây nhiều hệ lụy về kinh tế, đời sống, mà còn khiến mọi người hoang mang, lo lắng, thậm chí tổn thương tâm lý.
Trước vô số vấn đề khó lường và biến động thời cuộc, nhiều người quan niệm hạnh phúc đơn giản là khi có thể chấm dứt một cơn đau trong tâm hồn, thoát nỗi muộn phiền... Tuy nhiên, đến người lớn đôi khi không thể vượt qua, thì trẻ càng khó có thể tự thoát ra, nhất là trẻ yếu thế, bệnh nhi ung thư, hiểm nghèo, chịu ảnh hưởng chất độc da cam, khuyết tật, tự kỷ, mồ côi... Những đối tượng này cần được người lớn, xã hội yêu thương, chở che và nâng đỡ.
"Không gây tổn thương, phiền lụy, sầu muộn cho ai, nhất là trẻ thơ vốn nhạy cảm, tâm hồn mong manh, dễ vỡ", thiền sư Minh Niệm nói và dẫn lại câu nói nổi tiếng của sư ông Thích Nhất Hạnh: "Sáng hiến tặng niềm vui, chiều giúp đời bớt khổ". Nếu làm được điều ấy, cuộc sống mỗi người sẽ giàu giá trị và nhiều ý nghĩa.
Trở thành người từ ái, nâng dậy những mảnh đời khốn khó, xoa dịu niềm đau của tha nhân và mở ra nhiều con đường sáng đẹp khác... là khía cạnh khác của sẻ chia - ngưỡng cao nhất của hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ khi no đủ, dư dả trong đời sống tâm hồn, bạn mới có thể yêu thương, giúp đỡ người khác. Nếu còn nhiều vết thương chưa được chữa lành, niềm đau, tham sân si, hiểu sai về bản ngã... cá nhân ấy khó phụng sự cộng đồng hay bao dung với tha nhân. Do đó, sống tối giản, dành thời gian, năng lượng để làm giàu đời sống tâm hồn... là một trong những thông điệp của tọa đàm.
Theo thầy Minh Niệm, ai cũng có thể nâng đỡ trẻ yếu thế, chỉ cần bớt bận rộn, bớt căng thẳng và mở lòng. "Nếu không thể hỗ trợ về vật chất, hãy làm một việc nhỏ với trái tim lớn". Chỉ cần 5 phút giúp đỡ một người nào đó bằng nụ cười tươi, lời hỏi han, động viên, đưa họ quay về với hiện tại, không chìm đắm trong đau khổ và vượt qua "cơn bão" cảm xúc...
Đôi khi lời an ủi "không sao đâu, mọi thứ rồi sẽ qua", "niềm đau ấy chỉ nhất thời, phía trước là chuỗi ngày tươi sáng"... có thể đánh thức những tâm hồn đang yếu đuối, lạc lõng giữa cuộc đời. Sư Minh Niệm chỉ ra sự sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ người khác về vật chất hay bất kỳ điều gì đó... cần xuất phát từ tâm, vô điều kiện, với thái độ dịu dàng, vui vẻ, không khó chịu, tỏ ra quyền lực hay muốn khống chế người khác...
Thầy lý giải có rất nhiều đứa trẻ dù mong mỏi được người lớn giúp đỡ, yêu thương, nhưng chúng sợ hãi, bài xích, không cần... nếu thấy người lớn thích quát nạt, căng thẳng, mặt nặng mày nhẹ...
Thiền sư Minh Niệm cũng chỉ ra hai món quà quan trọng bạn có thể hiến dâng cuộc đời gồm: lan tỏa năng lượng bình an và trao cho mọi người phương pháp để họ tự khiến bản thân bình an.
Thầy còn dẫn lại giai điệu nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì, em biết không?/ Để gió cuốn đi/ Để gió cuốn đi" nhằm nhắn nhủ đại chúng: "Hãy chọn cho mình một đời sống thích hợp để có được chất liệu quý trong tâm hồn gồm: từ, bi, hỷ, xả".
"Chỉ khi sống không giận hờn, nghi kỵ, tranh chấp hay không sân si và giúp đỡ được người khác theo cách của chính mình, bạn sẽ thấy cuộc đời rất đẹp", thiền sư Minh Niệm nói thêm.
Trước phần tọa đàm, đại diện ban tổ chức đã tổng kết lại các hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Việt Nam ước mong" (diễn ra từ 22/7 đến 31/8). Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết triển lãm tranh, lễ cầu siêu cho trẻ không may mắn... thu hút hàng chục nghìn đại chúng. Ban tổ chức còn trưng bày, bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 họa sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân... Toàn bộ tiền thu được sẽ hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
"Cần lắm bàn tay nâng đỡ dịu dàng" là talkshow thứ tư, sau chuỗi tọa đàm chủ đề: "Nuôi dưỡng đứa trẻ với trái tim tỉnh thức và hiểu biết"; "Nghệ thuật chữa lành đứa trẻ bên trong"; "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng"... Ngày 28/8, lễ bế mạc và tọa đàm "Để đứa trẻ được là chính mình" diễn ra tại chùa Giác Ngộ.
Hoạt động do chương trình Ông Mặt trời (do ông Minh Nhân sáng lập) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Trường Đại học Ngoại thương, Quỹ Hy Vọng, Quỹ Mái ấm hạnh phúc, Truyền hình Quốc hội, tổ chức.
Thi Quân
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.