Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết “quê hương là chùm khế ngọt… nếu ai không nhớ… sẽ không lớn nổi thành người...”. Chưa bao giờ nổi nhớ buông tha cho nó. Hiện nó rất cần một giấc ngủ bên mẹ hiền. Ngày nó ra đi tìm cho mình một tương lai, có biết bao sự thử thách. 3 triệu đồng là số tiền mẹ bán lứa lợn vừa rồi cho nó đi thực hiện niềm đam mê. Cầm chừng đó tiền trên tay, với nó không chỉ là vấn đề tài chính mà là gánh nặng, gánh nặng tâm tư… Với món nợ cả mấy chục triệu đồng tiền sinh viên vay cho con ăn học, không cách nào trả được và số tiền bán lợn mẹ còn chưa trả tiền giống cho người ta, nó rưng rưng nước mắt. Ngồi trên chuyến tàu thống nhất, nó ước mình chưa được sinh ra trên đời có lẽ sẽ tốt hơn.
Đến một vùng đất mới, không một người thân thích, nó sẽ nỗ lực hết sức với niềm đam mê của mình, nó đang cố mạnh mẽ thích nghi với tất cả. Cực khổ mấy nó cũng ráng chịu được, nhưng nó vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê da diết. Chưa bao giờ như lúc này nó thấy nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ những đứa cháu thân yêu, nhớ cái giọng nói “trọ trẹ”. Nó nhớ con đường đất đỏ và nhớ cả cánh đồng lúa chín… Ai cũng có ước mơ, nhưng không phải ai cũng đủ sức để thực hiện ước mơ của mình, nhất là đối với một cô gái vừa nghèo vừa mau nước mắt như nó. Bất kể thời gian rảnh, hay trong lúc bận rộn, khi có một khoảng trống là nó lại rưng rưng nhớ quên hương. Hàng đêm nó mơ về ba, ngồi trầm tư bên hiên nhà, thấy mẹ ngồi lau nước mắt bên bếp lửa. Sáng tỉnh dậy nước mắt nhạt nhòa, nó biết đêm qua mình đã khóc.
Tạm xa vùng quê gió lào cát trắng đó, mảnh đất Tây Nguyên đón nó với cái lạnh sương giăng, cao nguyên mây phủ, xách ba lô trên vai và kiếm cho mình một cái phòng bé tí. Khoảng thời gian đầu, nó gặp khó khăn chồng chất. Khi số tiền thì vơi gần hết, nó bắt đầu với việc làm thêm, phục vụ những quán cafe, đánh máy ở nhà, bán hàng… Thời gian cũng thấm thoắt trôi, nó bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, chi phí cũng tạm đủ để chống chọi với cuộc sống. Và quan trọng là cái tình của láng giềng đã giúp nó tạm quên đi nỗi nhớ nhà.
Hàng ngày, nó ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống, viết thành những câu chuyện kể, và niềm vui vỡ òa khi truyện ngắn đầu tay được đăng báo, một cách cửa mở ra trước mắt. Nó cầm điện thoại gọi về cho ba, hẳn lúc này ba đang ngồi đan rổ, mẹ hái rau sau vườn. Nó cười trong hạnh phúc khi tưởng tượng ra cảnh ba sẽ mang truyện của nó đọc cả ngày và gối đầu ngủ. Cuối cùng thì trong giấc mơ, nó cũng thấy nụ cười hạnh phúc của ba, giọt nước mắt của mẹ tự hào về đứa con nhiều đam mê lẫn nước mắt. Và rồi mẹ sẽ bắt đầu với một lứa lợn mới chỉ mai đây thôi…
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Hòa