GPT-3 được công ty OpenAI trình làng từ tháng 5 và vừa có mặt dưới dạng giao diện lập trình ứng dụng (API) cho các nhà phát triển vào tuần trước. Tại sự kiện ra mắt, các chuyên gia và nhà phát triển đã "choáng" vì khả năng viết văn như người của phần mềm này.
GPT-3 học từ cơ sở dữ liệu khổng lồ gồm hàng triệu nội dung viết bằng tiếng Anh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đưa ra yêu cầu, AI của hệ thống sẽ lọc các nội dung liên quan, thu thập các tham số rời rạc rồi kết hợp với nhau. Kết quả trả về là một văn bản hoàn thiện, phù hợp với "đề bài".
Trước đây, một số tổ chức đã đưa công cụ viết tự động lên một số ứng dụng, như Google Smart Compose sử dụng chương trình riêng giúp người dùng tự động hoàn thành các câu trong Gmail; Associated Press cũng thử nghiệm các bài viết về tài chính hoặc báo cáo thể thao bằng AI. Tuy nhiên, hầu hết bài viết đều rắc rối, vụng về, không tự nhiên, do những hạn chế với dữ liệu cơ bản hoặc rào cản ngôn ngữ.
"Trong lịch sử, các hệ thống mô phỏng ngôn ngữ tự nhiên vẫn thiếu sắc thái thể hiện", Carolyn Rose, Giáo sư tại Viện Công nghệ Ngôn ngữ của Đại học Carnegie Mellon, nói. "Nhưng GPT-3 có vẻ khác. Dựa trên những thử nghiệm ban đầu, GPT-3 dường như đã 'thổi bay' các mô hình hiện có nhờ bộ cơ sở dữ liệu khổng lồ mà nó học được".
Theo Rose, ưu thế của GPT-3 là được sử dụng cơ sở dữ liệu với 175 tỷ tham số, lớn gấp nhiều lần so với 1,5 tỷ tham số của thế hệ trước (GPT-2) và 17 tỷ tham số từ siêu máy tính chuyên về AI của Microsoft. Điều đó nghĩa là GPT-3 thông minh hơn và có khả năng tạo ra văn bản không khác gì con người.
GPT (Generative Pre-training Transformer) là mô hình tạo văn bản dựa trên AI. Hệ thống này ra mắt 2018, sử dụng mô hình ngôn ngữ tổng quát bao gồm hai mạng thần kinh tự cạnh tranh nhằm hoàn thiện lẫn nhau. Khi đó, GPT đã có thể tạo ra những đoạn văn bản hoàn chỉnh, nhưng còn "vụng về".
Thế hệ thứ hai, GPT-2, trình làng tháng 2/2019 với độ hoàn thiện cao hơn, đến nỗi Elon Musk - một trong những đồng sáng lập OpenAI - từ chối công bố vì sợ nó có thể đăng tin giả lên Internet.
GPT-3 chính là thế hệ thứ ba. Với 175 tỷ tham số, GPT-3 không chỉ soạn thảo văn bản với ngôn ngữ tự nhiên không khác gì con người, mà còn có thể dịch thuật, trả lời câu hỏi, thực hiện các nhiệm vụ cần lý luận nhanh, điều chỉnh tên miền...
Nghệ sĩ người Đức, Mario Klingemann, thử nghiệm bằng cách nhờ những người bạn viết đoạn văn dài về một chủ đề có sẵn, sau đó so sánh với nội dung do GPT-3 viết. Kết quả, Klingemann hết sức ngạc nhiên khi tác phẩm do AI viết khá "phong cách và mạch lạc".
Nhà phát triển Sharif Shameem đã ứng dụng GPT-3 để tạo ứng dụng viết mã. Chỉ cần người dùng nhập vào các yêu cầu với mô tả đơn giản, hệ thống sẽ tạo ra những dòng code phù hợp mà không cần phải tốn sức.
Tương tự, nhà phát triển Jordan Singer đã tạo ra công cụ có tên Figma bằng GPT-3, cho phép tạo ứng dụng dựa trên các mô tả của người dùng. Trong video đăng lên Twitter, Singer đã tạo một phần mềm với giao diện tương tự Instagram chỉ với khoảng 100 từ mô tả.
Sự "đột phá" của GPT-3 có thể giúp công việc dễ dàng hơn, thậm chí biến nhiều công việc hiện nay trở nên lỗi thời. Do được cung cấp dưới dạng API, việc thử nghiệm GPT-3 sẽ rộng rãi hơn. Các ứng dụng dựa trên nền tảng này có thể được triển khai trên toàn cầu thay vì bị giới hạn tại Mỹ hoặc một vài khu vực nhất định.
"GPT-3 sẽ dẫn đến các cải tiến lớn về xử lý văn bản tự động. Chẳng hạn, nó có thể làm cho các công cụ chuyển văn bản thành giọng nói, như hướng dẫn bằng giọng nói của Google Maps hoặc Apple Maps, bớt khô cứng hơn", một chuyên gia nhận xét.
Tuy vậy, không ít chuyên gia lo ngại GPT-3 sẽ bị sử dụng sai mục đích, như tạo tin giả, quấy rối, spam... Không những thế, họ còn lo ngại GPT-3 và các thế hệ GPT sau (nếu được tiếp tục phát triển) sẽ "cướp" việc của những người làm nội dung, chẳng hạn biên tập viên, người viết kịch bản, nhân viên dịch thuật, lập trình viên...
Công ty OpenAI được thành lập năm 2015 bởi Elon Musk, Peter Thiel, Sam Altman và một số chuyên gia công nghệ khác tại San Francisco. Công ty chủ yếu nghiên cứu các lĩnh vực thuộc AI và phát triển theo hướng mang lại lợi ích cho nhân loại. Musk rời khỏi hội đồng quản trị của OpenAI năm 2018, nhưng vẫn là nhà tài trợ. Năm 2019, OpenAI nhận khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Microsoft.
Bảo Lâm