Vụ trật tự phường đánh dân đến ngất xỉu mới đây khiến dư luận vô cùng bức xúc. Việc lạm quyền của lực lượng dân phòng đã đến mức báo động. Những vụ đánh người, chửi dân, vi phạm giao thông,… của lực lượng này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải nhiều trong thời gian qua.
Theo quy định, dân phòng chỉ có quyền bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật.
Vậy tại sao họ có quyền bắt giữ một người bán hàng rong, ngay cả khi họ vi phạm hành chính mà cụ thể ở đây là buôn bán lòng lề đường? Nếu người bán hàng rong này hành hung lại họ, tại sao họ không báo cho công an phường đến giải quyết mà tự mình còng tay anh ta?
Cách đây ít lâu, khi tôi đang chạy xe máy ở Hà Nội thì có hai người mặc trang phục dân phòng nhảy ra chặn đầu xe và bắt đưa vào vỉa hè để xử lý. Chỉ có hai anh dân phòng thôi, không hề có công an của phường hay lực lượng cảnh sát giao thông và chắc chắn họ có dấu hiệu mới uống rượu bia xong. Họ đòi kiểm tra giấy tờ, bằng lái xe của tôi và cho biết rằng tôi mắc lỗi đi xe không có gương chiếu hậu.
Biết là mình có lỗi nhưng tôi nhất quyết không chịu đưa giấy tờ xe và bảo rõ rằng lực lượng dân phòng không có quyền dừng xe người vi phạm. Nếu muốn lập biên bản thì hãy mời lực lượng cảnh sát gia thông ra đây. Tranh cãi một hồi thì họ cũng đành để tôi đi.
Để một người chấp hành luật pháp thì trước hết cần hiểu rõ luật. Là dân phòng, thì lại càng phải hiểu rõ hơn. Theo quy định, lực lượng dân phòng chỉ cần trên 18 tuổi, và không yêu cầu trình độ học vấn. Điều này sẽ xảy ra hiện tượng nhiều dân phòng thiếu trình độ, không hiểu luật, dẫn tới lạm quyền.
Vấn đề thứ hai là ý thức công dân của lực lượng dân phòng, đây là khái niệm rất mơ hồ. Chỉ cần có quan hệ tốt với nhân dân và không tiền án, tiền sự là đủ. Chính tiêu chuẩn mơ hồ này có thể dẫn tới việc những thanh niên bất hảo vẫn lọt được vào lực lượng dân phòng.
Khi đã trao quyền cho những người thiếu hiểu biết và đạo đức kém là điều cực kỳ nguy hiểm. Họ sẽ tận dụng cái quyền đấy để thỏa mãn những giá trị về cả vật chất và tinh thần cho mình. Ít nhất thì họ cũng có thể bắt nạt được những người dân thấp cổ bé họng đang phải mưu sinh vất vả như những người bán hàng rong hay xe ôm, hay hàng nước...
Quyền lực cần được trao cho những người có đạo đức tốt hoặc phải có một cơ chế giám sát đủ mạnh để quyền lực đó không bị biến tướng. Chính vì cả hai điều trên đều chưa làm tốt, khiến người dân bức xúc.
Nếu một người không được học hành tử tế, lại không có đạo đức mà được trao cho cái dùi cui, khoác bộ quần áo dân phòng thì đương nhiên họ nghĩ mình to lớn lắm, muốn làm gì ai cũng được.
Dân phòng chính là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với người dân, nếu có xung đột xảy ra, họ là người dễ làm sai luật nhất. Theo nguyên tắc, lực lượng dân phòng chỉ có quyền hỗ trợ cảnh sát, vì vậy, những vụ lạm quyền, đi quá giới hạn cần phải xử lý nghiêm để yên lòng dân.
Thực tế cho thấy một mâu thuẫn rất lớn giữa trình độ với quyền lực, trách nhiệm của dân phòng. Nhìn lại lịch sử, dân phòng bắt nguồn từ lực lượng dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến từ hồi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện thời chiến họ đã góp phần rất lớn tạo nên những chiến công hiển hách và đã được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời bình, cần xem xét lại vai trò của lực lượng dân phòng, khi kẻ thù ngoại xâm không còn.
Để bảo vệ, giữ gìn yên bình cho người dân yên ổn làm ăn, sống và làm việc theo pháp luật thì cần có một lực lượng chính quy, đó là công an. Đó là lực lượng mạnh nhất, được đào tạo bài bản nhất, có trách nhiệm đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả nhất, công bằng nhất.
Theo tôi, nên xem xét chấm dứt vai trò của dân phòng càng sớm càng tốt.
Điều 6. Quyền hạn của Bảo vệ dân phố |
>> Xem thêm: Video trật tự phường đánh ngất xỉu người bán hàng rong/ "Đang bị trật tự phường đánh thì... lăn ra ngủ"
Long Hoàng
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.