Nhóm nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) cho biết đã tìm ra một phương pháp mới trong việc khôi phục và chỉnh sửa ảnh. Các công cụ AI trước đây có thể tăng độ phân giải lên 8 lần so với ảnh gốc, còn công cụ Pulse của Duke đạt mức 64 lần.
Các tác giả cho biết hệ thống không được phát triển để nhận diện, xác định danh tính người trong ảnh. Nó không làm rõ nét khuôn mặt người thật từ các bức ảnh rung mờ, độ phân giải thấp của camera giám sát. Thay vào đó, dựa trên bức ảnh gốc được nhập vào, AI có khả năng tạo ra những khuôn mặt mới, không tồn tại ngoài đời thực nhưng trông giống với thực tế.
Cụ thể, Pulse sẽ phân tích và tạo các chi tiết như mắt, mũi, miệng... chỉ trong vài giây để làm sao khi nén xuống cùng kích cỡ và độ phân giải của ảnh gốc thì các điểm ảnh giống với ảnh gốc nhất.
Hệ thống có thể biến khuôn mặt 16 x 16 pixel thành ảnh 1.024 x 1.024 pixel chỉ trong vài giây, tức bổ sung hơn một triệu điểm ảnh. Thậm chí, Pulse có thể đoán và tạo các đặc điểm như nốt ruồi, nếp nhăn, độ uốn của tóc - vốn không thể nhận diện trong ảnh gốc - với độ chính xác cao.
Để thực hiện điều này, nhóm nghiên cứu sử dụng thuật toán GAN - mạng đối nghịch tổng quát. Mạng thứ nhất có nhiệm vụ tạo ra các khuôn mặt bằng phần mềm AI sao cho các chi tiết trông tự nhiên và giống như thật. Mạng thứ hai có nhiệm vụ xác định những bức ảnh này là giả. Mục tiêu của các nhà khoa học là làm sao mạng thứ nhất ngày càng thành thục trong việc tạo ra những bức ảnh như thật cho tới khi mạng thứ hai không thể tìm ra sự khác biệt.
Hiện Pulse mới dừng ở việc phân tích ảnh chân dung, nhưng thời gian tới, nó có thể "tái tạo" hình ảnh trong mọi tình huống như ảnh phong cảnh, ảnh vệ tinh và nhiều lĩnh vực khác.