Sau thông tin hacker chiếm hơn 600 triệu USD từ mạng blockchain của Axie Infinity, người chơi tại Philippines và Việt Nam có nhiều phản ứng trái chiều. Không ít người lên mạng xã hội phàn nàn về việc tiền điện tử của họ bị đóng băng và thảo luận các thuyết âm mưu.
Trong khi đó, Sky Mavis, đơn vị phát triển Axie Infinity, cho biết đang tìm cách lên danh sách những ai bị mất tiền từ vụ tấn công nhưng chưa cung cấp cách thức chi tiết. Dữ liệu blockchain do DappRadar tổng hợp đến ngày 1/4 cho thấy khối lượng giao dịch trên Axie Marketplace đã giảm 24% so với một tuần trước đó. "Tuy nhiên, con số này không đủ để kết luận rằng Axie Infinity bị người dùng quay lưng. Bạn vẫn có thể chơi game không cần đăng ký giao dịch trên blockchain", Pedro Herrera, nhà phân tích dữ liệu cấp cao của DappRadar, cho biết.
Còn với người chơi ở các quốc gia một số quốc gia Đông Nam Á, vụ hack trở thành vấn đề lớn vì nhiều người tại đây chơi game để kiếm tiền. Philippines là thị trường lớn nhất của Axie Infinity, nơi game này phổ biến đến mức giới chức trách còn xem xét đến việc đánh thuế người chơi.
Catherine Flick, Phó giáo sư máy tính tại Đại học De Montfort (Anh), cho biết: "Không phải là các nhà đầu tư mạo hiểm bị tổn hại nhiều nhất từ vụ hack mà là những người đang dựa vào trò chơi để nuôi sống gia đình. Những người đang bỏ tiền ra để mong thu lời từ game cũng đang bị ảnh hưởng trực tiếp".
Trò chơi tiền điện tử do tỷ phú Mark Cuban hậu thuẫn đang là "cần câu cơm" của nhiều người thất nghiệp trong đại dịch. Một bài đăng vào 10/12/2021 trên blog của Axie Infinity cho thấy số lượng người dùng hoạt động hàng ngày đạt 2,5 triệu lượt, tăng một triệu so với ba tháng trước đó. Thị trường Philippines chiếm 40% lượng người dùng thường xuyên.
Theo Flick, khi Axie Infinity trở nên phổ biến hơn, số tiền cần phải bỏ ra để "lập đội hình" trước khi tham gia trò chơi đang tăng quá cao với người dùng mới. Một số nghĩ ra cách cho thuê thú cưng để ăn chia lợi nhuận với người chơi mới. Mô hình này tương tự việc cho vay ngắn hạn và khi mạng Ronin của game bị tạm ngưng, những người cho thuê không thể nhận được khoản phí này.
Flick nói: "Về cơ bản đây là mô hình lao động ký quỹ, các nhà phát hành game Axie Infinity vẫn có thể thu được lợi ích từ hoạt động của người ngay cả khi họ không rút được tiền từ khoản đầu tư vào game".
Các cuộc thảo luận trong nhóm Discord của Axie Infinity cho thấy những quản lý nhóm cho rằng vụ hack có thể là chất xúc tác khiến cộng đồng mất niềm tin vào nền kinh tế của game. Từ đó, vụ tấn công cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng kiếm tiền trong tương lai của nhà phát triển.
Mạnh Hùng, 27 tuổi tại TP HCM và chơi Axie Infinity được sáu tháng, cho biết các giao dịch trên mạng Ronin đang khóa nên anh không thể nạp hoặc rút tiền. Dù giá vật phẩm và thú cưng trong game giảm mạnh sau sự cố, họ không có cách nào nạp tiền để mua. Có nghĩa, người chơi đã bị lỡ một cơ hội kiếm lời.
Theo dữ liệu từ CoinGecko, giá của hai đồng SLP và AXS trong game đều giảm hơn 10% sau sự cố. Hùng cho biết, trong nhiều nhóm chơi Axie Infinity đầy rẫy các thuyết âm mưu rằng cuộc tấn công là một cách đánh lạc hướng người dùng về việc nhà phát triển không thể cho ra đời phiên bản thứ ba theo kế hoạch.
Trong khi đó, Aleksander Leonard Larsen, COO của Sky Mavis, khẳng định vụ hack là kết quả của một "cuộc tấn công kỹ thuật xã hội kết hợp với lỗi của con người. Công ty không nghi ngờ có sự tham gia của nội gián". Ông cho biết ưu tiên hiện nay của công ty là xây dựng lại cầu nối Ronin một cách an toàn trước khi mở lại hoạt động.
"Tôi vẫn tiếp tục chơi game như thường và không có kế hoạch thay đổi danh mục đầu tư. Hy vọng các nhà phát triển game sẽ cải thiện tính năng bảo mật của mạng Ronin", Hùng nói.
Thiên An (theo Bloomberg)