Agribank đang xây dựng Đề án chiến lược phát triển đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, trình Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt. Tinh thần của đề án vẫn lấy "Tam nông" làm trọng tâm để phục vụ, với các giải pháp, biện pháp phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển. Ngân hàng cũng chuẩn bị sẵn sàng cho công tác cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước.
Giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn 2030, Agribank hướng tới ngân hàng hiện đại và hội nhập, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với đổi mới mô hình tổ chức hướng tới ngân hàng số; chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, quản trị điều hành và hoạt động theo hướng thông lệ quốc tế.
Nhà băng phấn đấu đứng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản; hoạt động an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, Agribank cũng đặt mục tiêu giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn; góp phần cùng ngành ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Agribank được thành lập ngày 26/3/1988 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với việc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều hành chính sách tiền tệ và 4 ngân hàng chuyên doanh thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, ngân hàng theo từng lĩnh vực. Theo đó, Agribank có nhiệm vụ chính là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trải qua 33 năm, với vai trò ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, Agribank thực thi nghiêm túc chính sách tiền tệ quốc gia, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhà băng dành 70% dư nợ cho vay đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm gần 40% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống các tín dụng tài chính. Các chương trình tín dụng có đóng góp lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước. Bên cạnh đó, Agribank tích cực tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới trên cả nước thông qua các chương trình tín dụng và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đổi mới về mô hình tổ chức, quản trị, điều hành theo hướng hiện đại, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng ngân hàng số để phục vụ khách hàng.
Trong hoạt động tín dụng, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển bền vững.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank cũng ý thức và phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Những năm qua, nhà băng đã tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo... Ngoài ra, mỗi năm, ngân hàng còn dành hàng nghìn tỷ đồng áp dụng lãi suất ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Agribank còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng khác như các sự kiện văn hóa, thể thao, chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường. Năm 2020 nhà băng phối hợp với các địa phương trên cả nước trồng mới một triệu cây xanh và mục tiêu trồng mới thêm một triệu cây xanh trong năm 2021, hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh" do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng.
Giải thưởng "Ngân hàng vì cộng đồng" không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Agribank đối với cộng đồng mà còn là động lực để người cán bộ công nhân viên của nhà băng tích cực tham gia xây dựng, phát triển Agribank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.
An Nhiên