Trong bối cảnh áp lực thanh khoản lớn từ thị trường, để có thể giảm lãi suất cho vay, Agribank đã tập trung cơ cấu, đa dạng hóa nguồn vốn, đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi CASA, tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi USD...
Kết quả, lãi suất huy động vốn bình quân của đơn vị 11 tháng đầu năm đã giảm 1,3% một năm so với đầu năm, trong khi tổng nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định theo kế hoạch, thanh khoản hệ thống ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Cùng với giảm chi phí đầu vào, nhà băng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí khác: tập trung thu hồi nợ xấu, khai thác và quản lý tài sản hiệu quả, nâng cao năng suất lao động (tối ưu hóa hoạt động nội bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ), kiểm soát chặt chẽ chi phí thường xuyên... để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất niêm yết kỳ hạn ngắn hạn nhưng kết quả lãi suất đầu vào các tháng 10, tháng 11 vẫn tiếp tục giảm do đã thực hiện cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn kỳ hạn ngắn hạn.
Từ đầu năm đến nay, Agribank đã 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm 1,0% - 2,5% một năm. Đến 30/11, lãi suất cho vay bình quân của nhà băng này đã giảm khoảng 1,5% một năm so với đầu năm. Hiện nay sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank từ 5,0% một năm đối với ngắn hạn và từ 7,0% một năm đối với trung, dài hạn.
Ngân hàng đồng thời thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng theo định hướng của chính phủ, ngân hàng nhà nước và mục tiêu kế hoạch của Agribank. Theo đó, ngân hàng thực hiện cho vay trung, dài hạn phục vụ đầu tư phát triển với mức lãi suất cố định đến 24 tháng chỉ từ 5,5% một năm. Nhà băng triển khai đa dạng chương trình tín dụng ưu đãi tổng quy mô 250.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 2%-3% một năm so với lãi suất thông thường. Chương trình này dành cho đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu. Ngoài ra, ngân hàng triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án, chính sách tín dụng theo chủ trương của chính phủ, ngân hàng nhà nước đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ...
Gần đây nhất là Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai cho vay trong giai đoạn thí điểm từ nay đến hết năm 2025 và tiếp tục triển khai chương trình đến hết năm 2030. Theo đề án này, nhà băng sẽ hỗ trợ giảm lãi suất tối thiểu 1% một năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng theo từng đối tượng khách hàng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo.
Cũng trong năm 2024, nhà băng đã giảm trực tiếp lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và phát sinh từ ngày 26/3 của 1,6 triệu khách hàng với tổng dư nợ được giảm lãi suất đến 170.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ giảm lãi gần 1.000 tỷ đồng.
Không chỉ đồng hành phát triển sản xuất kinh doanh, trong những giai đoạn khó khăn của người dân, doanh nghiệp, Agribank cũng kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ. Trước những thiệt hại nặng nề của khách hàng do siêu bão số 3 và lũ lụt vừa qua, nhà băng đã triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với hơn 21.000 khách hàng, tổng dư nợ trên 16.000 tỷ đồng; cho vay mới ưu đãi lãi suất hơn 2.300 khách hàng, tổng dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng...
Thời gian tới, Agribank cam kết tiếp tục đẩy mạnh tiết giảm chi phí và giảm lãi suất cho vay. "Trên cơ sở bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nhà băng không ngừng đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", đại diện ngân hàng chia sẻ
Thế Đan