Trong quá trình phát triển thị trường, hầu như nhà sản xuất nào cũng muốn đưa sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm lớn. Tuy nhiên, bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu về chất lượng hàng hóa, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như chi phí hay các quy định từ cơ quan quản lý nhà nước.
Những vấn đề khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đưa hàng vào siêu thị
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nói chung, hộ gia đình nói riêng gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Một phần vì hầu hết đều hoạt động trên quy mô nhỏ lẻ, mang tính địa phương và chưa có quy trình sản xuất chuẩn. Mặt khác, một số doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với các chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hàng hóa hay đẩy mạnh khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm vô hình chung trở thành rào cản cho chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận chuỗi bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Duy Xuân, giám đốc bộ phận Quản lý nhà cung cấp AEON Việt Nam khẳng định, những doanh nghiệp đã có thương hiệu, sản phẩm đạt chất lượng gặp nhiều thuận lợi hơn so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đưa hàng hóa vào siêu thị.
Trong khi đó, việc tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại (như kênh siêu thị) lại mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và là một trong các yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh lợi ích về độ nhận diện thương hiệu, trở thành nhà cung ứng cho các nhà bán lẻ lớn giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng. Đồng thời, doanh nghiệp còn có điều kiện để phát triển thương hiệu cũng như nguồn hàng, tạo điều kiện kiểm soát tốt chất lượng.
Mặt khác, như chia sẻ của một nhà sản xuất, việc sản phẩm thu mua, bày bán tại các hệ thống lớn sẽ giúp họ đảm bảo được đầu ra, từ đó chuyên tâm sản xuất, mở rộng kinh doanh cũng như ổn định giá cả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhiều cạnh tranh, biến động như hiện nay.
Đó là lý do khiến việc đưa hàng vào các chuỗi siêu thị lớn trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất. Tuy nhiên, thực tế theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, chỉ có một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp đến chào hàng được chọn làm nhà cung cấp cho siêu thị.
Bà Xuân cho biết: "Doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị thường gặp các vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Trước hết là do sự không thường xuyên cập nhật quy định cơ quan nhà nước, tiếp theo là chưa nắm được tiêu chuẩn hàng hóa của từng siêu thị. Hơn nữa, năng lực sản xuất hàng hóa của nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế".
AEON Việt Nam đồng hành cùng nhà cung cấp nâng cao chất lượng sản phẩm
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị, AEON Việt Nam đã cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ hỗ trợ người sản xuất kinh doanh hàng hóa ở quy mô lớn, khách hàng ổn định, giỏ hàng giá trị cao, ông lớn ngành bán lẻ này còn giúp nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó có cơ hội xuất khẩu thông qua hệ thống AEON.
Đơn cử, trung tuần tháng 6/2020, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam xuất sang Nhật Bản đã được bày bán tại hệ thống phân phối của AEON, bao gồm 250 trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, cũng như cửa hàng AEON Style trên khắp Nhật Bản.
Khi vào hệ thống AEON Việt Nam, nhà cung cấp còn được tham gia những khóa đào tạo nhằm nâng cao kiến thức và cập nhật những quy định mới. Gần đây nhất là khóa đào tạo "Nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và kiểm nghiệm sản phẩm".
Đại diện AEON Việt Nam cho hay phần lớn nhà cung cấp hiện nay yếu ở hai tiêu chí: truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm nghiệm sản phẩm. Cụ thể là sản xuất sản phẩm nhưng chưa có hồ sơ ghi chép, chưa cập nhật và nắm rõ các quy định hiện hành của cơ quan nhà nước. Chưa kể, nhiều đơn vị còn yếu ở khâu xác định nguyên nhân gốc rễ khi tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm, từ đó chưa có các giải pháp khắc phục hiệu quả khi kết quả kiểm nghiệm sản phẩm không đạt yêu cầu.
Thông qua khoá học này, AEON Việt Nam mong muốn cùng nhà cung cấp dần giải quyết được các bài toán như đã đề cập, cụ thể: hiểu được các tiêu chuẩn; biết cách áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của siêu thị nói chung và của AEON nói riêng; cũng như nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, mang sản phẩm an toàn, an tâm đến tay người tiêu dùng.
Kết quả của khóa đào tạo đầu tiên là 97% học viên phản hồi tích cực. Điều đặc biệt của khóa học chính là đưa ra những tình huống cụ thể để nhà cung cấp có thể hiểu đúng các yêu cầu luật định và áp dụng được vào thực tiễn, nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm.
Trong tương lai, AEON Việt Nam dự kiến tổ chức thêm các hoạt động đào tạo nhằm không chỉ trang bị kiến thức cho nhà cung cấp mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành, để cuối cùng, có thể đưa những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng Việt Nam.
Diệp Chi