Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, 8 nước Cộng (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ) và Tổng Thư ký ASEAN.
Các nước ADMM+ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đã chủ động, kịp thời thích ứng với tình hình mới, tích cực triển khai các ưu tiên, sáng kiến đã đặt ra trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo đó, Việt Nam đã tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả; đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.
![Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam (giữa) chủ trì Hội nghị ADMM+ lần thứ 7. Ảnh: HT](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/12/10/image001-5611-1607602638.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PbCN2Kbw5mlDBI7obaOg-Q)
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam (giữa) chủ trì Hội nghị ADMM+ lần thứ 7. Ảnh: HT
Sau khi thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng đã thống nhất ra tuyên bố chung (gồm 7 điểm) về tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.
Tuyên bố ghi nhận sự chuyển dịch địa chiến lược và địa chính trị tại khu vực, bao gồm các tác động của việc tăng cường gắn kết trong khu vực, hợp tác, kết nối kinh tế liên khu vực và các xu thế toàn cầu như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những thay đổi này đặt ra cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các bên "cần tránh làm trầm trọng hơn việc để mất lòng tin, tính toán sai lầm và hành xử theo kiểu trò chơi có tổng bằng không".
Các vị Bộ trưởng Quốc phòng cũng ghi nhận rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương gắn kết và kết nối với nhau, với ASEAN ở trung tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, rộng mở, dung nạp và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tuyên bố chung nhấn mạnh lại các mục đích và nguyên tắc được nêu trong Hiến chương ASEAN cũng như các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực là quy tắc ứng xử then chốt trong quản lý các mối quan hệ và hợp tác, thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực...
Tùy viên Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN
Các vị Bộ trưởng Quốc phòng cũng thống nhất tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác thông qua ADMM+, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm. Điều này nhằm củng cố và tạo động lực mới cho các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức nảy sinh từ môi trường khu vực.
Tuyên bố tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong các hoạt động, tránh làm phức tạp thêm tình hình. Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định, việc Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+.
Tuyên bố thể hiện sự thống nhất cao, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ADMM+ trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngay sau khi kết thúc chương trình nghị sự ADMM+, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã bàn giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ cho Brunei.
Trước khi hội nghị diễn ra, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chủ trì Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+, Tổng Thư ký ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Khách mời tại điểm cầu các nước.