Quả bóng chính thức Teamgeist là của Adidas. Ảnh: AFP |
Adidas nhiều năm qua luôn được coi là hãng thời trang thể thao có doanh thu cao nhất. Năm nay, họ là nhà tài trợ chính thức cho ba đội đã giành quyền vào tứ kết gồm chủ nhà Đức, Argentina và Pháp. Ngoài ra, hãng còn cung cấp bóng và quần áo cho trọng tài làm nhiệm vụ tại World Cup 2006. Trong khi đó, hai đối thủ đáng gờm nhất của họ là Nike và Puma chỉ còn tài trợ cho lần lượt hai (Brazil và Bồ Đào Nha) và một đội (Italy).
Puma là nhà cung cấp trang phục thi đấu cho nhiều đội bóng nhất tại World Cup lần này. Nhưng ngoại trừ Italy, 11 đội bóng khác sử dụng đồ Puma đều đã bị loại, trong số này có những cái tên rất "sáng" như CH Czech. 5 đội bóng châu Phi dùng trang phục của Puma, chỉ có một mình Ghana lọt vào vòng hai, và rồi họ cũng sớm phải về nước sau khi thua Brazil. Những đội bóng khác do Nike tài trợ như Hà Lan, Australia, Mexico cũng đều đã phải nói lời chia tay.
Những đội bóng càng ở lại lâu tại giải, nhà tài trợ càng vui bởi các cổ động viên sẽ tiếp tục mua các sản phẩm lưu niệm của họ. Đồng thời logo của hãng cũng sẽ được nhiều người nhìn thấy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cả Adidas, Nike, Puma hay những hãng thời trang khác như Umbro (tài trợ cho Anh) và Lotto (tài trợ Ukraina) đã không ngại ngần bỏ ra hàng triệu euro vào sân chơi lớn này để tăng doanh thu. Và việc tiêu thụ những sản phẩm, đặc biệt là áo đấu và giày, luôn mang lại cho họ các khoản thu kếch xù.
Doanh số tiêu thụ áo đấu của Brazil tại World Cup 2002 đã mang về cho Nike những khoản lợi nhuận kếch xù. Khi đó, chiến thắng 2-0 của Brazil trước Đức trong trận chung kết cũng chính là hình ảnh thắng lợi vang dội của Nike trước Adidas. Thế nhưng, chỉ sau đó hai năm, Adidas đã có thể ngẩng cao đầu khi Hy Lạp bất ngờ đăng quang ở Euro 2004.
Thông thường, một bản hợp đồng với với một ông lớn, chẳng hạn như Đức, Anh hay Brazil... có thể mang lại cho nhà tài trợ hàng chục triệu euro doanh thu mỗi năm. Trong khi dốc tiền cho những đội bóng nhỏ, chẳng hạn như Trinidad & Tobago, hầu như các hãng chẳng thu lại được gì. Những đội bóng có những trận đấu thiếu thuyết phục sẽ có nguy cơ mất hợp đồng tài trợ ngay lập tức. Điển hình nhất là việc Adidas đã nói không với Ảrập Xêút, ngay sau khi đội bóng châu Á để thua một trận bẽ mặt trước Đức với tỷ số 0-8 ở World Cup 2002.
H.L. (theo Reuters)