Số tiền nêu trên được tính theo giá trị mệnh giá của hơn 100 triệu cổ phần ACV đã phát hành thực hiện cổ phần hóa sau khi trừ đi các khoản chi phí. Ngoài ra, ACV cũng đề nghị chậm nộp khoản thặng dư hơn 1.050 tỷ đồng do đánh giá lại hai khoản đầu tư vào công ty con đang niêm yết là Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) trong thời hạn tối đa 12 tháng.
Yêu cầu nêu trên được đưa ra sau những ý kiến của các bên liên quan về quyết định thay đổi phương án cổ phần hóa đối với Tổng công ty này của Bộ Giao thông vận tải – đơn vị quản lý phần vốn nhà nước tại ACV và Bộ Tài chính đã kéo dài từ tháng 3 đến nay. Trọng tâm của vấn đề này nằm ở số tiền mà ACV sẽ nộp lại quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau phương án cổ phần hóa mới của Bộ Giao thông đã giảm đáng kể so với phương án cổ phần hóa trước đó được Thủ tướng thông qua.
Căn cứ theo quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt, phương án cổ phần hóa ACV đã được xây dựng từ tháng 10/2015 với vốn điều lệ dự kiến gần 22.431 tỷ đồng, trong đó nhà nước chiếm 75%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm 20%, 5% thuộc về các cổ đông khác.
Tuy nhiên, đến ngày 14/3, Bộ Giao thông đã có quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của ACV, trong đó vốn điều lệ dự kiến sau khi Tổng công ty này cổ phần hóa và chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần là 21.771,7 tỷ đồng, với cổ đông nhà nước nắm giữ 95,4% và cổ đông khác 4,6%.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược và xử lý thặng dư nguồn thu từ bán cổ phần sau khi ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sẽ khác so với phương án cổ phần hóa được thông qua vào tháng 10/2015.
“Theo quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Tài chính thì phần thặng dư thu từ cổ phần hóa (bao gồm cả bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược) sẽ nộp về quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; trường hợp việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau khi ACV chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì phần thặng dư phát sinh sẽ để lại cho công ty cổ phần” - Bộ Tài chính giải thích.
Với đề án cổ phần hóa đã được ACV công bố vào tháng 10/2015, trong đó với giả định mức giá chào bán thành công bằng mức giá tối thiểu (11.800 đồng một cổ phiếu), Tổng công ty này dự kiến sẽ nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của SCIC theo quy định hơn 4.815 tỷ đồng, phần giá trị để lại doanh nghiệp là 1.731 tỷ. Tuy nhiên, theo phương án mới thì con số đã nộp cho SCIC chỉ hơn 300 tỷ đồng.
Ở văn bản phúc đáp của Văn phòng Chính phủ mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ yêu cầu Bộ Giao thông phải giải trình ý kiến của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và xử lý nguồn thu từ cổ phần hóa công ty mẹ ACV, đồng thời báo cáo Thủ tướng.
Mới đây, HNX đã có quyết định chấp thuận cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được đăng ký giao dịch hơn 2,17 tỷ cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán là ACV. Tuy nhiên, Tổng công ty hiện vẫn chưa chốt ngày đầu tiên giao dịch.
Minh Sơn