Ông Nguyễn Tâm Khoa, Phó giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Giám đốc trung tâm giải pháp thanh toán ACB cho biết khách hàng không cần quá lo lắng vì mã QR không phải mã độc tấn công trực tiếp mà chỉ là trung gian để truyền tải nội dung. Riêng đối với QR thanh toán, đơn vị đã cập nhật công nghệ chống làm giả chống dán đè để đảm bảo tính an toàn cho chủ tài khoản.
Theo đó, mã QR thanh toán được thiết kế hiện rõ vệt sáng 7 màu, khi quét qua camera điện thoại làm nổi bật yếu tố hiển thị khiến kẻ gian khó mà có thể làm giả hoặc dán đè mà không bị phát hiện.
Đại diện ngân hàng cũng cho biết, mỗi giải pháp đưa ra đều được nghiên cứu từ khách hàng, đáp ứng đúng nhu cầu hiện hữu, dự đoán những tình huống mới để nâng cấp ứng dụng. Đây là điểm khác biệt trong chiến lược phát triển sản phẩm của ACB.
Ngày 10/8, ACB đồng loạt triển khai và giới thiệu giải pháp quản lý cửa hàng mang tên "Đồng minh thông thái". Có hơn 100.000 cửa hàng trên 49 tỉnh thành toàn quốc được hướng dẫn sử dụng ấn phẩm mới này.
Khánh Minh, chủ cửa hàng đồ lưu niệm tại Đà Nẵng cho biết, cửa hàng bán cho khách du lịch, nhiều lúc không kịp kiểm tra tiền trong tài khoản. Có lần bị dán đè mã QR cả sáng mới phát hiện ra, mất mấy triệu tiền hàng, nên không dám in QR nữa. Giải pháp mới giúp Minh thêm an tâm, có thể đối chiếu nhanh bằng cách kiểm tra vệt 7 màu.
Bộ ấn phẩm được ACB gửi tặng miễn phí và giao tận cửa hàng. Chủ hộ kinh doanh chọn QR loại decal dán hoặc bảng đứng để tại quầy tùy nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, giải pháp quản lý cửa hàng từ ACB còn mang tới các tiện ích thanh toán, vận hành và quản lý cửa hàng. Giải pháp này tập trung vào các nhu cầu đặc thù của chủ hộ kinh doanh như: tạo tài khoản nhận tiền riêng cho cửa hàng, tách bạch nguồn thu; chia sẻ thông báo nhận tiền...
"Đây là gói giải pháp tài chính toàn diện, với các tính năng quản lý cửa hàng được tích hợp một trạm ngay trên ứng dụng ACB One (one-stop-platform)", đại diện nhà băng nói.
Đại diện ACB nhận định, tình trạng lừa đảo bằng mã QR được ghi nhận tăng mạnh trên thế giới và cả Việt Nam. Tại Anh, chiến dịch "tráo mã QR" được phát hiện tại các trạm đỗ xe công cộng. Kẻ gian dán đè QR gốc, dẫn đến một trang giả mạo và bị dụ nhập thông tin tài khoản. Nhiều người cho biết đã bị dịch vụ mạo danh này âm thầm trừ tiền trong thời gian dài, mỗi tháng khoảng 50 Euro.
Tình trạng này cũng tương tự việc dán đè mã QR chuyển tiền được ghi nhận ở Việt Nam gần đây. Theo chuyên gia về an ninh mạng, mã QR chỉ được giải mã và hiển thị nội dung thông qua các máy quét chuyên dụng hoặc phổ thông hơn là camera điện thoại. Mắt thường không thể đọc được nội dung của mã và khó phân biệt được các QR khác nhau.
Lợi dụng yếu tố về mặt hiển thị nói trên, cùng sự phổ biến của mã QR, kẻ lừa đảo có thể mã hóa các đường link hoặc số tài khoản giả mạo thành mã QR để qua mặt người dùng. Nếu không để ý, người dùng có thể quét và truy cập link xấu, chuyển tiền tới số tài khoản giả mạo mà không hay biết.
Ở Việt Nam, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy. Một số còn sao thành nhiều bản, dán tại các khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến kẻ gian dán đè, "tráo" địa chỉ nhận tiền.
Để hạn chế tình trạng chuyển tiền nhầm khi quét mã QR, ACB khuyến nghị người dùng khi quét mã cần xác nhận lại thông tin số tài khoản và tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng. Phía chủ hộ kinh doanh cũng nên chủ động kiểm tra mã QR hàng ngày để kịp thời phát hiện bất thường nếu có.
Thái Anh
ACB cũng dành tặng khuyến mại cho các khách hàng chủ hộ kinh doanh đầu tiên. Cụ thể, với mỗi giao dịch nhận tiền từ 50.000 đồng qua mã QR hay tài khoản cửa hàng, sẽ được hoàn ngay 3.000 đồng. Chương trình sẽ hoàn tối đa 100.000 đồng mỗi khách hàng trong hai tháng đầu kể từ ngày tạo tài khoản.
Nhận ngay bộ QR code tương sinh miễn phí tại đây.