Với mức lãi này, so với chỉ tiêu tài chính mới thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 6/4, ACB đã hoàn thành hơn 29% kế hoạch lợi nhuận năm. Tổng tài sản hết quý I của ACB đạt 447.000 tỷ đồng, tăng 1,2% và tín dụng tăng 4% lên 320.000 tỷ đồng.
"Kết quả quý đầu năm tạm ổn, nhưng dịch bệnh tái đi tái lại nên 9 tháng còn lại tăng trưởng và chất lượng tài sản thế nào vẫn là câu hỏi lớn", ông Toàn nói. Ông khẳng định quan điểm của ban lãnh đạo ACB là điều hành thận trọng để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cao nhất trong lịch sử 28 năm hoạt động.
Theo đó, ngân hàng này đặt mục tiêu lãi trước thuế trên 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Nếu hoàn thành, ngân hàng có thể gia nhập "câu lạc bộ" nhà băng lãi trên 10.000 tỷ đồng gồm Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank và Ngân hàng Quân đội (MB).
ACB cũng đề ra kế hoạch tổng giá trị tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng tăng 9% và duy trì nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, theo ông Toàn, thực chất tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng gần đây luôn dưới 0,7% nhờ kiểm soát và phân loại tốt. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết nếu dịch bệnh lắng dịu, không xuất hiện yếu tố nào đột biến, cả năm con số này chắc chắn dưới 1%.
Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho biết sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu năm nay là có thêm 1 triệu khách hàng mới, trong đó cá nhân chiếm khoảng 900.000 người. Từ thành công của việc tái sắp xếp nhân sự, mạng lưới và một số sản phẩm lõi cho khách hàng cá nhân tại Hà Nội, ACB sẽ phát triển mạnh hơn thị trường miền Bắc, đặc biệt khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
ACB cũng liên tục quan sát thị trường để chờ đợi cơ hội M&A các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng đây là vấn đề lâu dài, phù hợp văn hóa và không chỉ để tăng quy mô mà còn tạo sức mạnh tổng hợp nên ACB không vội vàng.
"Nhiều trường hợp sau sáp nhập không thành công, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh và văn hóa của bên sáp nhập. Do đó, trước khi sáp nhập, chúng tôi luôn phải tính bài toán 1 cộng 1 làm sao lớn hơn 2", ông Huy nói.
Đối với các hoạt động liên quan đến chứng khoán, năm ngoái ACB lãi hơn 700 tỷ đồng từ kinh doanh trái phiếu Chính phủ. Ngân hàng cũng đang có lượng trái phiếu Chính phủ ở mức cao, hơn 60.000 tỷ đồng nên sẽ tận dụng diễn biến thị trường thuận lợi để tiếp tục mua bán. Trong khi đó, ngân hàng chưa định tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp vì rủi ro cao.
Ban lãnh đạo ACB cũng cho biết không còn kế hoạch thoái vốn khỏi công ty chứng khoán. Thay vào đó, ngân hàng đang tìm kiếm đối tác chiến lược, có thể tăng vốn và tái cấu trúc hoạt động.
Phương Đông