FiinRatings cho biết, xếp hạng dựa trên nhiều tiêu chí, bảo đảm tính minh bạch và độc lập trong các bước đánh giá. ACB đạt điểm cao nhờ vào các yếu tố được đánh giá từ mức "Phù hợp" đến "Rất tốt". Ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nguồn vốn ổn định, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và ổn định thanh khoản.
ACB được đánh giá cao với vị thế kinh doanh "Tốt" nhờ mô hình đa dạng, ổn định, đứng trong nhóm các ngân hàng thương mại lớn với thị phần dư nợ cho vay gộp 550.200 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng 511.700 tỷ đồng vào quý II/2024. Cơ cấu vốn đạt mức "Phù hợp", tỷ lệ an toàn vốn đạt 11,8% cùng thời gian trên.
Khả năng sinh lời được đánh giá ở mức "Tốt", chỉ số lợi nhuận như NIM, ROA ở mức vượt trội, các chiến lược cho vay hoạt động hiệu quả. Vị thế rủi ro của ACB đạt mức "Rất tốt" và tăng hai bậc. Nguồn vốn và thanh khoản cũng được đánh giá "Tốt", ngân hàng có khả năng huy động vốn vượt trội, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vốn ngắn hạn và kế hoạch dự phòng thanh khoản.
Ngoài ra, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cũng duy trì hạng BB- cho ACB, dựa trên chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và năng lực quản trị rủi ro. Tổ chức này nhận định ngân hàng có chất lượng khoản vay tốt, hồ sơ tín dụng ổn định khi tập trung vào mảng cho vay bán lẻ.
Thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và quốc tế, đại diện ACB kỳ vọng điều này sẽ giúp ngân hàng thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế và gia tăng uy tín thương hiệu với nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng.
Hoàng Nhi