Báo cáo lập theo niên độ kế toán, từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2022, đánh giá hội sở và 384 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc; kiểm toán bởi KPMG.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, từ sớm đơn vị đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Từ năm 2013, ACB đã thực hiện một số hoạt động cụ thể như giảm sử dụng nhựa, giấy... bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Nhà băng xây dựng và nâng cao nhận thức của nhân viên lẫn khách hàng, đối tác về bảo vệ môi trường, hành động "xanh" khi có thể...
Hiện nay, phát triển bền vững ở ACB được định nghĩa: kiên trì thực thi các nguyên tắc và thông lệ quản trị công ty vì lợi ích chung; nâng cao chất lượng hoạt động xã hội liên quan đến nhân viên, khách hàng và cộng đồng; tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm, chất thải, phát thải khí carbon; góp phần thực thi cam kết của Chính phủ vì mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Trong báo cáo, các chỉ số phát triển bền vững gồm: môi trường (E), xã hội (S) và quản trị doanh nghiệp (G); trình bày dựa trên tham chiếu theo các Tiêu chuẩn công bố thông tin do Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Hiện ACB xác định 11 lĩnh vực trọng yếu quản lý xoay quanh ba trọng tâm kinh tế, môi trường và xã hội. Danh sách này sẽ rà soát và cập nhật hàng năm để phù hợp với những thay đổi thực tế.
Về kinh tế, đơn vị tạo ra giá trị với lợi nhuận trước thuế tăng 43% so với 2021 nhờ tăng trưởng tín dụng, thu nhập phí dịch vụ, thu hồi nợ xấu và hoàn nhập dự phòng từ khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tổng tài sản đạt 608.000 tỷ đồng, tăng 15,18% so với 2021.
Với môi trường, hơn 25,57% lượng giấy đã sử dụng trong năm 2022 có nguồn gốc thân thiện tự nhiên; hơn 5,29% tái chế từ bìa lịch. Gần 100% nhựa dùng một lần không được sử dụng tại đơn vị trong năm 2022. Gần 100% vật dụng bắt buộc có tỷ lệ nhựa cao như thảm sàn sử dụng từ loại nhựa tái chế.
Ở lĩnh vực đóng góp xã hội, xây dựng cộng đồng bền vững, ACB đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trải nghiệm khách hàng, thực hiện nhiều chương trình an sinh.
![Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB nêu về mục tiêu phát triển bền vững tại sự kiện của đơn vị. Ảnh: ACB](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2023/10/31/hinh-ct-hdqt-phat-bieu-ve-dinh-1701-4305-1698721363.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9X6mP3BDLmbp1Sl7XzKc6w)
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB nêu về mục tiêu phát triển bền vững tại sự kiện của đơn vị. Ảnh: ACB
Cũng theo đại diện ngân hàng, cam kết về phát triển bền vững nhận được sự đồng lòng từ 93% nhân viên. Cam kết này lồng ghép vào chiến lược của nhà băng, bao gồm tăng trưởng đều đặn đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nâng cao trải nghiệm khách hàng, duy trì môi trường làm việc có sức hút, giữ chân nhân tài.
Hướng tới Net Zero, ACB có nhiều hành động xanh, thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường, lan tỏa đến khách hàng, đối tác, cổ đông và cộng đồng. Một trong các kế hoạch tiêu biểu mà đơn vị đang triển khai là thu gom 300 tấn rác nhựa trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2025.
"Chúng tôi cũng có tham vọng rằng mô hình ESG của ACB sẽ là nguồn cảm hứng để khuyến khích các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng cùng thực hành", đại diện ngân hàng nhấn mạnh.
Theo đơn vị, Phát triển bền vững sẽ là một báo cáo thường niên quan trọng của ngân hàng, bảo đảm các kết quả hoạt động ESG được theo dõi, giám sát thực hiện và đánh giá thường xuyên. Ngân hàng đang xây dựng nguồn lực đủ năng chuyên môn và thực thi ESG theo yêu cầu mới, chủ động nắm bắt nhiều cơ hội phát triển hơn.
Song song, ACB cũng chú trọng đến hoạt động kinh doanh hiệu quả. Với kết quả kinh doanh 9 tháng vừa công bố, đơn vị là một trong những nhà băng tư nhân tăng trưởng dương. Lợi nhuận trước thuế hơn 15.000 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lũy kế năm 2023; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường. Mức sinh lời của ACB hiện thuộc tốp cao, ROE ở mức 24,5%.
Minh Huy