Trong bản tin phân tích thị trường đầu tháng 8, ông Fiachra Mac Cana – Giám đốc điều hành, phụ trách Nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC, Mã CK: HCM) dự báo 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Á Châu (Mã CK: ACB) có thể giảm lãi hơn 54,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 950 tỷ đồng. Nguyên nhân là ACB vẫn còn phải nỗ lực giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp còn tồn tại.
Theo phân tích của ông Mac Cana, thu nhập lãi thuần của ACB có khả năng giảm 40,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là tỷ lệ lãi biên (NIM) hạ 0,97%, xuống còn 2,88% trong năm 2012 khi chi phí huy động tăng mạnh do ACB phải tất toán, trả lại vàng cho người gửi, đồng thời bù đắp bằng nguồn vốn huy động tiền đồng với chi phí cao hơn. Năm ngoái, huy động vàng chiếm 24% tổng vốn huy động bình quân của ACB, theo số liệu của HSC.
Yếu tố nữa khiến tỷ lệ lãi biên ACB hạ, phân tích của ông Mac Cana chỉ rõ, còn do việc chậm trả lãi các khoản cho vay liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, Vinalines và các khoản quá hạn liên ngân hàng. Theo số liệu từ HSC, đến 30/6, dư nợ cho vay đối với bầu Kiên và các bên liên quan là 7.128 tỷ đồng. Gốc vay đã được gia hạn trả đến năm 2015, 2018 và 2012, lãi thanh toán định kỳ hoặc hàng năm.
Cũng theo giám đốc Nghiên cứu HSC, những khoản vay này được thế chấp bằng tài sản và định giá 7.122 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm 20,5% là cổ phiếu niêm yết, còn lại chủ yếu là chứng khoán chưa niêm yết. Ông Mac Cana cho biết, bên vay đã không thể trả lãi định kỳ, và nếu khoản lãi này tiếp tục bị khất thì sẽ phải đưa vào nhóm có rủi ro cao hơn trong năm sau. "Điều này gây tác động đến thu nhập lãi thuần cũng như tăng chi phí dự phòng trích lập, khiến kết quả kinh doanh của ACB bị ảnh hưởng sang cả năm 2014", giám đốc Nghiên cứu HSC nhận định.
"ACB đã đặt một khoản tiền gửi là 1.193 tỷ đồng tại một ngân hàng cổ phần khác để đảm bảo khả năng thanh toán nợ của các công ty liên quan đến bầu kiên vay tại nhà băng. Chúng tôi không có con số cụ thể về nghĩa vụ bảo đảm này. Khoản nợ của nhóm các công ty bầu Kiên vay tại ngân hàng cổ phần nói trên được bảo đảm bằng tài sản định giá 604 tỷ đồng. Rõ ràng, ACB có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị thu hồi tài sản đảm bảo nếu các công ty này không thể trả nợ", ông Mac Cana nói trong báo cáo.
Ngoài ra, giám đốc Nghiên cứu của HSC còn cho biết, ACB còn 854 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với Vinalines, đã được cơ cấu và phân loại nợ nhóm 2. Thông thường, khoản vay của Vinalines có tài sản bảo đảm là các con tàu. Tuy nhiên, ông cho rằng, không đủ thông tin để đánh giá chất lượng những tài sản này nên nhiều khả năng ACB phải trích lập dự phòng đáng kể cho khoản vay trên.
Đồng thời, nhà băng cũng phải trích lập dự phòng thêm đối với một số khoản tiền gửi đã quá hạn như 719 tỷ đồng tại Vietinbank, 722 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại khác trong nước, theo dữ liệu của chuyên gia này.
“Tóm lại, ACB đã rất tích cực tìm kiếm giải pháp phù hợp để xử lý các vấn đề tồn đọng trên. Tuy nhiên số dư những khoản nợ vẫn không thay đổi trong 6 tháng qua. Ngân hàng cần nhiều thời gian hơn để giảm dần số dư các khoản nợ này”, ông này kết luận.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB từ chối bình luận về phân tích trên và cho rằng: "Những số liệu HSC đã nêu trong báo cáo mới chỉ tính đến hết quý I/2013". Ông Toại cũng tiết lộ lãi trước thuế của ACB nửa đầu 2013 đã vượt 900 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, chi tiết cụ thể ra sao vẫn phải chờ báo cáo kiểm toán 6 tháng ngân hàng sắp công bố", vị Phó tổng giám đốc này cho biết. Theo báo cáo bán niên soát xét năm ngoái, Ngân hàng ACB lãi trước thuế 2.108 tỷ đồng.
Tường Vi