CEO BP - Bob Dudley là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay tại Davos (Thụy Sĩ). Ông cho rằng thị trường đang đối mặt với "cơn lũ giá dầu" và nhận xét triển vọng năm 2016 rất u ám.
"Bên ngoài dư cung nhiều lắm. Các nước và cả ngành công nghiệp đã phải chịu những cú sốc lớn", ông cho biết tại WEF. Nhận định đầu tiên cho cuộc khủng hoảng giá dầu là "giá thấp trong thời gian dài", sau đó đến "giá thấp trong thời gian dài nữa". Còn giờ tại Davos, các lãnh đạo bắt đầu thì thầm với nhau về một viễn cảnh tồi tệ mới - "rất thấp trong thời gian rất dài nữa".
Trong 2 ngày họp đầu tiên tại WEF năm nay, lãnh đạo các hãng dầu, các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng đều nhận định khả năng hồi phục năm nay là khó. Do các nước sản xuất lớn vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường và nhu cầu nhiên liệu từ Trung Quốc còn yếu.
Dù một số cho rằng giá sẽ tăng trong nửa cuối năm, phần lớn nhận định thị trường còn chịu cú sốc nữa trong năm nay, do dầu từ Iran tràn ra thế giới sau khi được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
"Điều này khiến tôi nhớ lại năm 1986", Dudley cho biết. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ngành dầu mỏ, khi giá chỉ còn 10 USD một thùng.
Phần lớn lãnh đạo các hãng dầu và đại diện các nước giàu dầu mỏ gặp tại một phiên họp kín ở Davos đều chung nhận định thị trường đang dư cung 1 triệu thùng mỗi ngày. Và việc giảm chi cho các dự án mới sẽ làm cân bằng cung - cầu năm tới, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.
"Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp cung vượt cầu", Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận xét, "Giá sẽ vẫn chịu sức ép. Tôi không thấy có nền tảng nào để giá tăng mạnh năm nay cả".
Tình hình sẽ không được cải thiện cho đến khi thị trường năng lượng hấp thụ được "cú sốc nguồn cung", Tony Hayward - Chủ tịch Glencore - một trong những hãng khai khoáng và kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới cho biết. Nói đơn giản thì, thế giới đang có "quá nhiều dầu", ông nhận xét. Việc này có thể kéo giá mỗi thùng xuống còn 20 USD, Phillips Oduoza - CEO United Bank for Africa dự báo.
Việc Iran được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hôm 16/1 sẽ giúp họ hồi phục xuất khẩu. Trước đây, họ từng là nước sản xuất dầu lớn nhì trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Nôn nóng muốn lấy lại doanh thu đã mất từ nhiều năm qua, quốc gia Trung Đông này đã ra chỉ đạo nâng sản lượng mỗi ngày lên thêm 500.000 thùng càng sớm càng tốt.
"Việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Iran, theo quan điểm của tôi, sẽ làm tăng nguồn cung. Vì thế, giá dầu còn chưa chạm đáy đâu, và còn lâu mới bật lại được", Chủ tịch UBS Group - Axel Weber nhận xét. Giá giảm sẽ khiến các đối thủ của Iran, như Ảrập Xêút, có thêm động cơ bơm tiếp dầu ra thị trường.
Birol cho rằng việc các hãng sản xuất cắt giảm chi tiêu kỷ lục cho khai thác dầu sẽ tạo nền tảng cho thị trường hồi phục. Nhưng phải đến năm 2017, việc này mới trở thành hiện thực. Năm nay, đầu tư khai thác dầu được dự báo giảm 16%, sau mức giảm 20% năm ngoái.
Việc giá hồi phục có thể diễn ra vào nửa cuối, thay vì nửa đầu năm 2017. Do thời điểm này, kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục - CEO Saudi Basic Industries - ông Yousef Al-Benyan nhận xét. Đây là công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc, thuộc top 5 hãng hóa chất lớn nhất thế giới.
Dù vậy, giá dầu sẽ không thể quay về mức đỉnh như thời kỳ bùng nổ trước đây, Daniel Yergin - Phó chủ tịch phụ trách tư vấn tại IHS cho biết. Giá dầu sẽ "không lên 100 USD, 70 USD hay 60 USD", Yergin cho biết. Còn với Jafar, "50 USD thì có thể". Con số này mới chỉ bằng nửa giá dầu cách đây 18 tháng.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu từ hơn 100 quốc gia. Trong đó có hơn 40 chính trị gia và 1.500 giám đốc doanh nghiệp tại hơn 25 lĩnh vực. Bên cạnh đó là đại diện các học viện và tổ chức xã hội.
Góp mặt trong sự kiện là quan chức nhiều nền kinh tế lớn, như Phó tổng thống Mỹ - Joe Biden, Thủ tướng Anh - David Cameron. Những nhân vật nổi tiếng, như Bill Gates, CEO General Motors - Mary Barra, CEO Microsoft - Satya Nadella, Chủ tịch Alibaba - Jack Ma hay Chủ tịch Alphabet - Eric Schmidt cũng sẽ tham dự. Ngoài ra, Leonardo di Caprio, Kevin Spacey và Bono cũng là các khách mời của diễn đàn năm nay.
Chủ đề của năm nay là "Nắm vững Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4". Các đại biểu sẽ thảo luận để tìm ra cách giải quyết cho 10 vấn đề được coi là các thách thức toàn cầu. Trong đó có An ninh lương thực và nông nghiệp, Tăng trưởng kinh tế hướng tới xã hội, Nhân lực và trình độ lao động, Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hay Tương lai của Internet.
Đoàn Việt Nam tham gia năm nay gồm các lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình, CEO VinaCapital - Don Lam, đối tác đầu tư của 500 Start-up tại Việt Nam - Edward Thai và Tổng giám đốc VNPT - Phạm Đức Long.
Hà Thu