"Belotti, Morata hoặc Aubameyang", CEO Marco Fassone tuyên bố về mục tiêu tiếp theo của Milan, chỉ ít giờ sau khi họ hoàn tất hai thương vụ đình đám mang tên Leonardo Bonucci và Lucas Biglia.
AC Milan đang giống như một "gã điên" trên sàn chuyển nhượng hè này, khi chi tới 261 triệu đôla để chiêu mộ tám tân binh. Nhưng họ vẫn chưa dừng lại ở đó. Các thông tin mới nhất phát đi từ Italy cho thấy Rossoneri sẵn sàng bỏ thêm 80 triệu đôla để mang về thêm một tiền đạo đẳng cấp trong số ba cái tên nói trên.
Tổng số tiền chi tiêu cho chuyển nhượng hè 2017 của đội bóng chủ sân San Siro hoàn toàn có thể cán mốc 350 triệu đôla, nhiều hơn so với sáu mùa giải trước đó cộng lại. Lần cuối cùng AC Milan đoạt Scudetto là mùa giải 2010-2011, và giờ là lúc họ bắt đầu có quyền mơ mộng đến danh hiệu ấy sau khi phá két để chiêu binh hàng loạt ngôi sao.
Bản hợp đồng gây sốc nhất của AC Milan chính là một trong những trung vệ hay nhất thế giới hiện tại, Leonardo Bonucci. Số tiền 46 triệu đôla được xem như món hời giữa thời buổi bão giá trên sàn chuyển nhượng, Bonucci hứa hẹn cũng sẽ nâng tầm hàng thủ đội bóng áo đỏ đen lên một bậc. Từng chứng kiến bộ tứ vệ với Cafu, Stam, Nesta và Maldini, giờ đây các CĐV Milan có thể tạm yên tâm với Conti, Romagnoli, Musacchio, Ricardo Rodriguez và Bonucci.
* Milan thay máu đội hình sau khi mua sắm ồ ạt hè này.
Quan trọng hơn, thương vụ Bonucci đã trực tiếp làm yếu đi đối thủ khó chơi nhất của Milan khi họ tìm đường trở lại ngôi báu Serie A. Trong sáu năm Milan suy vong, Juventus không ngừng làm mưa làm gió khắp đất nước hình chiếc ủng. Vì thế, việc họ tậu trung vệ tốt nhất của đối thủ cũng là lời thách thức AC Milan gửi đến nhà ĐKVĐ trong cuộc đua vô địch mùa giải 2017-2018.
Bên cạnh sự xuất hiện của các tân binh đắt giá, AC Milan còn giữ chân thành công thủ môn trẻ nhưng tài năng Gianluigi Donnarumma. Người gác đền được coi là “Buffon đệ nhị” từng từ chối gia hạn hợp đồng vì cho rằng AC Milan thiếu tham vọng. Tuy vậy, ban lãnh đạo đội bóng đã thuyết phục được anh kí hợp đồng mới với mức lương khủng, bên cạnh việc chứng tỏ tham vọng với một loạt vụ mua sắm.
Nguồn cội của tất cả hoạt động rầm rộ của AC Milan trong thời gian qua nằm ở một chữ: Tiền.
Sau những năm tháng suy yếu, cuối cùng đế chế của chủ tịch Silvio Berlusconi cũng chính thức nói lời khai tử. Thay vào đó, tân chủ tịch Li Yonghong mang theo rất nhiều tham vọng và cả tiền bạc từ vùng Viễn Đông đến với bờ Địa Trung Hải. AC Milan không thể hồi sinh chỉ bằng cách đầu tư hời hợt, họ cần một cú hích thật mạnh từ thị trường chuyển nhượng.
Sự xuất hiện của doanh nhân Trung Quốc khiến người hâm mộ nhớ đến thời kỳ đầu của đế chế Berlusconi năm 1986. Trước sự xuất hiện của ông, AC Milan trải qua thời kỳ đen tối với các cá nhân không có gì nổi trội. Họ thậm chí từng phải xuống chơi tại Serie B đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Sau một mùa giải, ông mang về hai ngôi sao sáng giá từ Hà Lan, đó là Marco van Basten và Ruud Gullit, cùng “kiến trúc sư trưởng” Arrigo Sacchi.
Công sức và tiền bạc của Berlusconi được đền đáp sau hai năm ông nắm quyền điều hành CLB. Danh hiệu Scudetto năm 1988 và hai chức vô địch cúp C1 châu Âu trong hai năm liền đã đưa AC Milan trở lại vị thế của một đế chế hùng mạnh. Theo Marca, Li Yonghong đang đi theo con đường tương tự như thế.
* Bleacher Report chấm điểm các tân binh của Milan từ đầu hè này.
Serie A đã lâu không xuất hiện một cuộc đua vô địch đúng nghĩa. AS Roma thời hậu Totti, Inter Milan cũng với chủ mới từ Trung Quốc, hay sự tiến bộ vượt bậc của Napoli, hứa hẹn sẽ là những đối trọng của Juventus ở mùa giải tới. Nhưng AC Milan, với 261 triệu đôla đổ vào mua sắm tinh binh, mới là cái gai trong mắt HLV Allegri và các học trò.
Xuân Bình