Theo báo cáo kết thúc 6 tháng đầu năm, ABBank đạt 135.086 tỷ đồng tổng huy động bảng cân đối, tổng dư nợ đạt 131.784 tỷ đồng, hoàn thành 94% chỉ tiêu được giao trong năm 2024. Ngân hàng trích lập 640 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thêm hơn 10,36% so với cùng kỳ.
Chất lượng tài sản của ABBank cũng được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu cuối quý II được duy trì dưới 3%. Bên cạnh đó, nhà băng duy trì chỉ số CAR ở mức 12,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023 và cao hơn yêu cầu tối thiếu (>= 8%) của Ngân hàng Nhà nước. Số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số và số lượng giao dịch trực tuyến tiếp tục tăng trưởng, lần lượt 4,77% và 98,18% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả trên thể hiện chuyển biến tích cực trong kết quả kinh doanh quý II của ABBank, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, đồng thời thể hiện sự dịch chuyển và tăng trưởng tốt trên kênh số của nhóm khách hàng cá nhân.
Ngân hàng còn tiếp tục nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua nền tảng số, đồng hành cùng doanh nghiệp qua các chương trình hỗ trợ tín dụng đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, trong năm nay, ABBank tập trung nguồn lực thực hiện lộ trình chuyển đổi, với sự tư vấn và đồng hành của McKinsey - công ty tư vấn quản trị chiến lược toàn cầu. Ngân hàng hướng đến hỗ trợ khách hàng dựa trên sự am hiểu về nhu cầu và lĩnh vực ngành nghề cụ thể, chọn cách thức tiếp cận theo chiều sâu.
Trong nửa đầu năm, ABBank đưa ra nhiều gói vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp SME như: "Am hiểu ngành nghề - Giải pháp ưu việt" cung cấp giải pháp tài chính chuyên biệt cho doanh nghiệp trong ngành Dược phẩm và Trang thiết bị y tế; "X2 lợi ích - Vững bước thành công" cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp; gói tín dụng "Kết nối nhu cầu - Mở rộng giải pháp" với lãi suất ưu đãi và hạn mức lên đến 5.000 tỷ đồng; chương trình đồng hành về phí xuyên suốt năm "Tài khoản 0 phí - Giao dịch như ý" được các doanh nghiệp đón nhận tích cực; chương trình Doanh nghiệp thân thiết (Loyalty SME)...