Nghệ sĩ Trần Phương qua đời hôm 26/8 ở Hà Nội vì tuổi cao sức yếu. Vợ mất hơn 10 năm trước, ông từng có thời gian ở viện dưỡng lão rồi sau đó lại về sống cùng con gái - biên kịch Trần Phương Thủy. Nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật sôi nổi, những năm cuối đời, ông thường ám ảnh bởi sự cô đơn. Trước khi mất, ông hay nói với con: "Bây giờ cha đi, người tiễn không có mà người đón thì rất nhiều".
Ông đau đáu vì nhiều người bạn cùng thời lần lượt về cõi vĩnh hằng. "Tôi giờ chỉ còn chờ chết thôi. Bạn bè vẫn có nhưng còn lại ít, những người trạc tuổi mình đi hết rồi. Tự tay tôi đi chôn cất nhiều người. Đến lượt mình thì chắc chỉ có họ đón ở dưới chứ không còn ai đưa tiễn", ông tâm sự trong một cuộc trò chuyện vài năm trước.
Nghệ sĩ Tất Bình là người thường xuyên qua lại thăm hỏi ông. Trong ký ức của anh, ông hiền từ, gần gũi như người thân trong gia đình. Mỗi lần gặp nhau, hai người ôn đủ thứ chuyện trên trời dưới bể.
Nghệ sĩ Đức Lưu nhớ thời trẻ, ông đẹp trai, hào hoa, quyến rũ cả trên phim lẫn ngoài đời. "Khi đi quay, khán giả nữ thường túm năm tụm ba trò chuyện với anh. Anh hài hước, nói chuyện lại duyên dáng", nghệ sĩ Đức Lưu kể. Dù vậy ông chung thủy với vợ. Nghệ sĩ từng nói thời trẻ ông đinh ninh mất trước vợ nên suốt ngày lo bà ở lại buồn.
Sống ở TP HCM, năm nào nghệ sĩ Trà Giang cũng thu xếp thời gian ra Hà Nội thăm đàn anh. Ông và bà từng đóng chung phim Chị Tư Hậu. Sau này, Trà Giang lại đóng chính phim Đứng trước biển ông làm đạo diễn. Lần cuối cùng hai người gặp nhau là đầu năm 2019. Lúc đó, trí nhớ nghệ sĩ Trần Phương đã giảm sút. Ông nhận ra Trà Giang là người quen nhưng không nhớ nổi tên. "Tôi kính nể anh bởi là người cha hết mực thương con. Anh có cậu con trai út Trần Lâm, từng đi học quay phim ở Cuba và qua đời. Mỗi lần gặp nhau, tôi biết anh nhớ con, nỗi buồn ngập trong đáy mắt", nghệ sĩ Trà Giang kể.
Trong mắt đồng nghiệp, nghệ sĩ Trần Phương là người tận tụy, nghiêm túc trong công việc. Là diễn viên thế hệ đầu tiên của điện ảnh Cách mạng cùng Phi Nga, Đức Hoàn, nghệ sĩ Trần Phương luôn ân cần dìu dắt đàn em. Nghệ sĩ Trà Giang nói khi đóng chung phim Chị Tư Hậu, ông say mê, cẩn trọng, thường xuyên bàn bạc cùng bà trước mỗi cảnh quay.
Dù không giảng dạy trong các lớp đào tạo, nhiều nghệ sĩ coi ông là thầy giáo trên phim trường. Ông dìu dắt nghệ sĩ Tất Bình khi chọn anh đóng chính phim Hy vọng cuối cùng (1981). Tác phẩm sau đó giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ sáu, ông cũng giành giải "Đạo diễn xuất sắc". Không chỉ học hỏi từ ông cách diễn, Tất Bình được ông truyền thụ nhiều kinh nghiệm khi làm đạo diễn phim. Anh nói: "Không có Trần Phương thì không có Tất Bình ngày nay". Ông thường kể với anh về những năm tháng làm phim sôi nổi.
Nghệ sĩ Đức Lưu khâm phục đàn anh vì ông "không học đạo diễn ngày nào mà làm phim đâu ra đấy". Biên kịch Trịnh Thanh Nhã - đàn em của ông ở Hãng Phim truyện Việt Nam, đồng là bạn học của con gái cố nghệ sĩ - nói ông kỹ tính, cẩn trọng trong công việc. Thập niên 1990, khi ông về hưu, hai người hợp tác thực hiện hai phim truyền hình: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ và Ngã ba thời gian.
"Anh Phương muốn mỗi tập dài 90 phút hoàn hảo như một thước phim điện ảnh. Nhiều hôm, 1h đêm, anh gọi cho tôi để xác minh lại một câu thoại mà anh còn ngờ ngợ về sự chính xác, tính nội hàm của nó. Khi bối cảnh thay đổi so với mô tả trong kịch bản, anh không tuỳ tiện sửa chữa mà gọi biên kịch đến để quan sát, xử lý. Đó là những ngày làm việc nhiều cảm xúc, khi nhóm biên kịch và đạo diễn đã gắn kết như người một nhà. Sau đó, phim Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ của chúng tôi được khán giả hai miền Nam - Bắc yêu mến", biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể.
Bà Trịnh Thanh Nhã còn đánh giá ông là người có mắt chọn diễn viên tinh tế, nhờ kinh nghiệm diễn xuất dày dặn. Khi nghệ sĩ Trà Giang đã "đóng đinh" với hình tượng nữ chiến sĩ cách mạng trong các phim Vĩ tuyến 12 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, ông lại chọn bà vào vai Chín Tâm - người đàn bà mưu mô trong Đứng trước biển (1982). Đạo diễn đã khai thác những nét mới mẻ trong lối diễn của Trà Giang, giúp bà lột tả hình tượng người đàn bà quyền lực mưu mô, tham vọng.
Sau khi Trần Phương nghỉ làm phim ở tuổi ngoài 70, bà Trịnh Thanh Nhã và các đồng nghiệp Hãng Phim truyện Việt Nam thỉnh thoảng đến thăm ông. "Lần cuối cùng gặp gỡ, chúng tôi ngậm ngùi bởi ông có nhiều nỗi cô đơn, trống vắng ở tuổi già. Thế nhưng ai rồi cũng sẽ đối diện khoảnh khắc ấy. Tôi nghĩ ông ra đi mãn nguyện, bởi cảm nhận được tình cảm sâu sắc của gia đình, đồng nghiệp", biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Hà Thu