+ Hát cửa quyền
Đây là hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ả đào trong các nghi thức của cung đình thời phong kiến. Theo Phạm Đình Hổ: Hát Ả đào đời nhà Lê ở trong cung gọi là Hát cửa quyền. Triều đình cắt cử hẳn một chức quan để phụ trách phần lễ nhạc trong cung, gọi là quan Thái thường. Hát của quyền được dùng vào các dịp khánh tiết của hoàng cung.
+ Hát cửa đình
Đây là hình thức sinh hoạt Ả đào phục vụ cho nghi thức tế lễ thần thánh ở các đình hay đền làng. Trên thực tế, người ta cũng có thể mượn không gian đình đền để tổ chức hát Ả đào với mục đích giải trí đơn thuần. Song, hát tế lễ vẫn là hình thức được coi trọng hơn với cả một trình thức diễn xướng tổng hợp kéo dài. Bởi vậy, thuật ngữ Hát cửa đình vẫn được sử dụng với hàm ý chỉ loại âm nhạc Ả đào mang chức năng nghi lễ tín ngưỡng nơi đình, đền làng người Việt.
+ Hát nhà trò
Trong trình thức Hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi đó là ''bỏ bộ''. Ả đào miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm bộ điệu người điên, người say rượu, người đi săn... Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trờ. Cách gọi này phổ biến ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, Hát nhà trò cũng là thuật ngữ xuất phát từ hình thức phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng.
+ Hát nhà tơ
So với các tên gọi khác của nghệ thuật Ả đào, Hát nhà tơ là một thuật ngữ ít phổ biến. Theo Việt Nam ca trù biên khảo, thời xưa, ''dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà hát chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ty (tơ - ngày xưa dinh tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh án sát gọi là Niết ty) mới tìm ả đào tới hát. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ty quan''. Như vậy, cách gọi này xác định hình thức sinh hoạt phục vụ nhu cầu giải trí của nghệ thuật Ả đào trong môi trường tư dinh quan lại. Tuy nhiên, cũng trên ý nghĩa ty là tơ thì Hát nhà tơ còn có thể được hiểu theo nghĩa khác. Theo Phạm Đình Hổ, đời Hồng Đức (1470-1497) nhà Lê, Ty giáo phường là một thiết chế do triều đình sắp đặt để trông coi âm nhạc chốn dân gian. Về sau, khái niệm này còn được dùng phổ biến ở thế kỷ 17, 18 trong các văn bia, khế ước. Và như thế, khái niệm Hát nhà tơ - Hát nhà ty rất có thể chỉ là cách ''diễn nôm'' phiếm chỉ loại âm nhạc của Ty giáo phường mà thôi.
Theo Việt Nam ca trù biên khảo, chữ ả nghĩa là cô, ả đào nghĩa là cô đào. Theo Ca trù bị khảo: ''Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám bọn con em phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy gọi là tiền Đầu. Sau người ta dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là Cô đầu''. Như thế, tên gọi này của nghệ thuật Ả đào chính là sự phản ánh phần nào nhu cầu ''Nôm hóa'' ngôn ngữ, đồng thời phản ánh một luật tục của giới nghề, đó là việc trọng thầy và phụng dưỡng thầy. Trong lịch sử nghệ thuật Ả đào, có lẽ đây là tên gọi xuất hiện muộn hơn cả và được giới thị thành biết đến nhiều hơn - trước khi thể loại này biến mất khỏi đời sống xã hội vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20.
+ Hát ca công
Theo Vũ trung tùy bút: Cho đến cuối thời Lê, ca công là danh từ được dùng để chỉ các nghệ sĩ chốn giáo phường. Theo đó, Hát ca công hàm ý là âm nhạc Giáo phường. Như thế tên gọi này chính là sự chuyển hóa của một danh từ chỉ nghề nghiệp thành một danh từ chỉ thể loại. Điều đó đủ để chứng minh vai trò quan trọng của thể loại nhạc Ả đào trong đời sống xã hội của cả một giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, Hát ca công thời xưa là một thể loại rất phổ biến, bao trùm khắp nơi chốn, phường hội của những nhạc sĩ dân gian chuyên nghiệp. Sự phổ biến đạt đến mức người ta gọi luôn loại âm nhạc mà các nghệ sĩ thực hành bằng chính danh người nghệ sĩ.
Cũng qua Vũ trung tùy bút, có thể thấy rằng danh từ ca công thời xưa rất thông dụng ở khắp các vùng miền Bắc. Thế nhưng về sau, tên gọi Ca công lại chỉ được dùng phổ biến ở Thanh Hóa. Điều đó có nghĩa trải theo năm tháng, thuật ngữ cổ xưa này đã ''biến mất'' khỏi đồng bằng Bắc Bộ - trung tâm văn hóa của Đại Việt - và được lưu giữ tại vùng ngoại biên. Điều đặc biệt, vùng ngoại biên này vốn là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ả đào. Hơn thế nữa, đây cũng là quê hương của 9 đời vua chúa Việt Nam. Những dữ kiện đó cho thấy nghệ thuật Ả đào đã từng chiếm giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong lịch sử âm nhạc dân tộc.
Bùi Trọng Hiền