Lãnh đạo các quốc gia Á, Âu hôm qua chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu lần thứ 9. Ảnh: AFP |
Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu lần thứ 9 (ASEM) giữa các nhà lãnh đạo của 51 thành viên, bao gồm các quốc gia và tổ chức của châu Á và châu Á, hôm qua khai mạc ở thủ đô Vientiane, Lào. Ba thành viên mới là Bangladesh, Thuỵ Sĩ, và Na Uy vừa được chính thức gia nhập vào hội nghị ASEM trước thềm sự kiện khai mạc.
Hội nghị do Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong chủ trì thu hút sự tham gia của lãnh đạo các nước Á, Âu như Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.
Với chủ đề "Bạn bè vì hòa bình - Đối tác vì thịnh vượng", diễn đàn đối thoại duy nhất kết nối giữa châu Á và châu Âu tập trung vào các vấn đề hai châu lục cùng quan tâm, bao gồm năng lượng, an ninh lương thực, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, vấn đề của bán đảo Triều Tiên và sự phát triển của Myanmar.
Tổng thống Philippines hôm 4/11 bày tỏ mong muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ra bàn luận ở hội nghị để thu nạp những ý kiến về cách thức thảo ra một hiệp ước hòa bình và công bằng về Biển Đông. Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ không được bàn thảo do sự phản đối của Trung Quốc, Kyodo dẫn lời một nhà ngoại giao sau một cuộc họp của các quan chức ASEM cấp cao hôm 4/11.
Theo dự thảo cuối cùng của Tuyên bố Vientiane dự kiến được công bố hôm nay, các lãnh đạo ASEM sẽ tái khẳng định cam kết "kiềm chế hành động đe dọa dùng vũ lực bằng bất cứ biện pháp nào trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật quốc tế, chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Họ sẽ "tìm kiếm cách giải quyết mâu thuẫn hòa bình thông qua đối thoại, đàm phán và các biện pháp khác", dự thảo viết.
Các nhà lãnh đạo cũng cho biết họ sẽ chia sẻ những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và bài học từ những thách thức kinh tế, tài chính hiện nay của châu Âu. Hội nghị đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, tài chính sâu rộng hơn nữa vì sự phát triển lâu dài, mạnh mẽ, cân đối và bền vững của nền kinh tế thế giới.
Trọng Giáp