Cô gái sinh năm 1993 cũng là quán quân hạng mục Kinh doanh và Đổi mới Giải thưởng Study UK Alumni 2023 tại Việt Nam. Tại sự kiện trao giải tháng 3, Trịnh Khánh Hạ cho biết nước Anh đã giúp cô tìm thấy đam mê của bản thân - khởi nghiệp.
"Những trải nghiệm tuyệt vời, kiến thức và chương trình đào tạo bài bản tại Anh đã giúp tôi có tư duy nhạy bén, tinh thần cứng rắn và kỹ năng cần thiết để bắt đầu hành trình startup", cô nói, cho biết thêm thời gian ở Anh đã tích cực tham gia các cộng đồng khởi nghiệp tại London, các hội nghị về Startup hàng năm, các trung tâm công nghệ ở châu Âu... Các cơ hội ấy đã giúp cô hòa nhập và được truyền cảm hứng từ những con người tài năng về khởi nghiệp.
Cũng theo Khánh Hạ, cô lớn lên với tư duy học để có công việc tốt và chăm sóc gia đình, xong thời gian học ở Anh đã rẽ hướng sang học để khởi nghiệp và tạo ảnh hưởng lớn cho cộng đồng. "Khởi nghiệp là một trong những con đường tôi lựa chọn để làm điều mình yêu thích", quán quân Study UK Alumni 2023 chia sẻ.
Trở về Việt Nam, cô bắt tay vào hiện thực hóa đam mê. Trước khi đến với Vulcan Augmetics, cô cho biết đã trải qua 2 công ty khởi nghiệp khác. Sau quá trình làm việc, cô chủ động kết thúc vì nhận ra bản thân không phù hợp với thị trường khi cho rằng công ty đầu thì founder không lắng nghe ý kiến, công ty tiếp theo bản thân tự lập ra nhưng lại rơi vào vấn đề chung của mọi Startup - kẹt vốn.
Giữa lúc hoang mang về bản thân, Vulcan Augmetics - dự án nằm trong một venture builder (dạng vườn ươm các dự án startup) đến với Khánh Hạ như cơ duyên. Lúc đó Vulcan Augmetics mới chỉ là một nhóm khởi nghiệp nhỏ tên Ironman có 5 thành viên, gồm Rafael Masters - founder, Akshay Sharma - CTO người Ấn Độ, 2 kỹ sư và một freelancer (làm tự do).
Khi được nghe trình bày về dự án làm cánh tay giả cho người khuyết tật, Khánh Hạ cảm thấy dự án hay và ý nghĩa nhưng vẫn do dự khi được ngỏ lời đồng hành vì đây là dự án khó và mới mẻ, phần khác vì sợ kinh nghiệm chưa nhiều, lại vừa thất bại với 2 startups.
Tuy nhiên, khi được Akshay Sharma - CTO của dự án cho xem đoạn video một bạn mất 2 tay vẫn có thể điều khiển xe máy bằng chân và nói: "Người khuyết tật họ có nội lực rất lớn để vượt qua các khó khăn, chỉ là họ đang thiếu những công cụ và thiếu cộng đồng để phát triển khả năng", Khánh Hạ bắt đầu có suy nghĩ khác. Cô nhớ lại khoảng thời gian khi còn nhỏ từng chứng kiến cuộc sống khó khăn của những người khuyết tật khi đi theo bố công tác tại đơn vị bộ đội và làng quê bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Kết quả, cô gái 9x đồng hành với Vulcan từ đó. Đến nay, sau hơn 5 năm phát triển, đơn vị đã đạt những thành công nhất định.
Khánh Hạ cho biết trong thời gian 2 năm rưỡi nghiên cứu và chuẩn bị, tiến độ của Vulcan nhanh hơn nhiều so với một số startup về công nghệ khác, đặc biệt là công nghệ trong lĩnh vực y tế. Ra mắt đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã hợp tác phân phối sản phẩm cánh tay robot tại hơn 20 bệnh viện, trung tâm chỉnh hình trên cả nước và hiện có hơn 140 người dùng sản phẩm.
Tháng 5/2019, cô gái 9x đại diện Vulcan Augmetics tham dự vòng thi quốc tế The Venture tại Hà Lan và xuất sắc vào top 10 cuộc thi.
Tháng 5/2021, cô cùng người đồng sáng lập Rafael Masters tham gia chương trình Shark Tank mùa 4 và gọi vốn thành công với lời đề nghị 5 tỷ đồng cho 23% cổ phần từ bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm Lian. Tháng 10, startup nhận được đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần và một quỹ đầu tư của Canada.
Theo Khánh Hạ, Vulcan có được kết quả hiện tại phần lớn nhờ những người cộng sự của cô. Ngay từ ngày đầu thành lập, cô may mắn tìm được các kỹ sư giỏi. Bên cạnh đó là một bạn khuyết tật chuyên thử nghiệm sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn có các chuyên gia, bác sĩ chỉnh hình đồng hành...
Trong định hướng phát triển sản phẩm, đơn vị tập trung tạo ra cánh tay robot có tính ứng dụng cao, hỗ trợ tốt cho người khuyết tật. "Tôi mong cánh tay Vulcan có thể giúp người khuyết tật hoạt động như người bình thường và tự tin trong mắt cộng đồng cũng như tự tin vào bản thân họ. Dùng tay robot là để khoe chứ không phải để che", Khánh Hạ nói, nhấn mạnh 3-5 năm tới Vulcan có thể sẽ là một platform cho tất cả người khuyết tật mong muốn tìm kiếm sản phẩm phục vụ chức năng. Có thể là cho người mất tay mất chân, hoặc các bộ phận khác.
Khi đó, doanh nghiệp có thể cho người dùng những lựa chọn đầy đủ thông tin và phù hợp với nhu cầu của họ. Ngay lập tức, họ sẽ biết giá bao nhiêu, họ cần tới đâu, quy trình như thế nào, hay sản phẩm có thể trực tiếp gửi tới nhà của họ hay không? "Tương lai, bất kỳ người khuyết tật nào ở các quốc gia đang phát triển cũng có thể vào app của Vulcan tìm một sản phẩm phù hợp với họ và sẽ được giao đến tận nhà", đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, quán quân Giải thưởng Study UK Alumni cũng tích cực tham gia hỗ trợ các cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Với kinh nghiệm "chinh chiến" tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp tầm cỡ quốc tế, tham gia gọi vốn với các nhà đầu tư lớn, cô trở thành cố vấn khởi nghiệp tại quỹ Hult Prize Foundation, được mời tham gia đào tạo về thuyết trình cho 16 startup tại Việt Nam và cố vấn cho 3 startup lọt vào vòng chung kết, cũng như giám khảo cho bán kết khu vực của cuộc thi Hult Prize.
Không chỉ với Vulcan, Khánh Hạ cho rằng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đáng được đánh giá cao hơn so với hiện tại. Các startup Việt Nam đang trên đà phát triển, thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng thế giới. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến thế giới chưa cảm nhận được sức mạnh của các startup Việt.
"Tôi hy vọng các startup sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo ra nhiều giá trị không chỉ cho doanh nghiệp, khách hàng mà còn cho cả cộng đồng và xã hội", Khánh Hạ chia sẻ về kỳ vọng với cộng đồng Startup Việt Nam trong thời gian tới.
Thế Đan