![]() |
Ảnh minh họa của Xinhua. |
Để thích nghi với "thế hệ 9X" này, trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Thiên Tân từ năm nay đã bắt đầu thử nghiệm một chương trình đào tạo khác hẳn lối cũ. Lần đầu tiên học sinh được phép viết các bài luận về lịch sử khác với các kết luận của sách giáo khoa, ví dụ như về việc phong trào Nghĩa Hòa đoàn đánh lại các cường quốc phương Tây hồi thế kỷ 19. Một giáo viên của trường giải thích thêm: "Nếu các em biện luận tốt thì sẽ được điểm cao".
Tính đến cuối năm ngoái, đã có hơn 137 triệu người Trung Quốc sử dụng Internet. Hơn một nửa số trẻ 7-15 tuổi ở đô thị truy cập Internet ngay tại nhà.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu thiếu nhi và thanh niên Trung Quốc, nhận định: “Internet đang chắp cho trẻ em Trung Quốc đôi cánh”, và giới trẻ đang dùng đôi cánh đó để cọ xát với những gì chúng đang được người lớn dạy bảo phải tuân theo. Hay như cô Triệu Hồng Hà, một giáo viên trẻ tại một trường tư Bắc Kinh, nhận xét: "Ngày nay nếu ta không đưa ra trả lời đúng cho câu hỏi tại sao của học sinh, chúng sẽ không chấp nhận những gì ta nói. Hồi tôi đi học, thầy giáo nói gì thì ông cũng đúng”.
Thế hệ “hậu 90” rất khác tiền bối của mình. Tony Hồ, một học sinh trung học cuối cấp Trung Quốc vừa bước sang tuổi 18, nói: “Chúng tôi có nhiều cách lấy thông tin, thế hệ trước chúng tôi thì không biết gì ngoài việc học”. Nhận định này có thể gây sốc, nhưng Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu trực thuộc Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc Tôn Vân Hiểu lại đồng tình: “Thế hệ 9X tự tin và nhiều kinh nghiệm, họ can đảm và sẵn sàng thách thức tiền bối của mình”. Lý do, theo ông Tôn, cực kỳ đơn giản: bởi họ có Internet như một phương tiện học hỏi, và bởi nhiều người trong số họ du lịch nhiều nơi. Họ có nhiều cách lĩnh hội kiến thức.
Cơn sốt sử dụng Internet ở Trung Quốc bùng phát những năm gần đây đã đẩy lên tuyến đầu của cuộc cách mạng thông tin những thanh niên khát khao được nếm trải cuộc sống bên ngoài ranh giới đất nước. Trong năm 1999 có 4 triệu người nối mạng ở Trung Quốc, cuối năm ngoái đã có 137 triệu kết nối. Theo một nghiên cứu do trung tâm của ông Tôn thực hiện, hơn 70% trẻ em Trung Quốc tuổi từ 7 đến 15 đã sử dụng Internet ít nhất một lần, và hơn một nửa trẻ em thành thị sống trong những ngôi nhà có mạng Internet. Điều đó giúp mở rộng chân trời hiểu biết của chúng mà giáo viên đôi khi không theo kịp.
Nói như Jenny Lý, chuyên đào tạo giáo viên tại một trường đại học ở Bắc Kinh: “Chúng tôi học từ sách, còn những trẻ em này học từ cả thế giới”. Cô giáo Triệu cũng than phiền rất khó để gây sự chú ý của học sinh trong lớp, bởi chúng biết quá nhiều, nên giáo viên cũng cần phải mở rộng những chân trời của mình.
Không khó hiểu khi những thầy cô lớn hơn cô Triệu, ngoài tuổi 40, cảm thấy bất tiện và không kiểm soát được đám học trò 9X. Chưa kể họ phải đối phó với chương trình cải cách, vì năm 1997 Trung Quốc chuyển từ lối học “lấy thầy là trọng tâm” sang “lấy học sinh là trọng tâm”. Giáo sư Viện Giáo dục Bắc Kinh Vương Vũ Tinh khái quát: “Muốn sản sinh được những tài năng hàng đầu, Trung Quốc cần hàng triệu tài năng sáng tạo có đầu óc phản biện và tò mò, và thế hệ mới phải phát triển được khả năng khám phá".
Liệu thế hệ toàn cầu hóa này có thay đổi bộ mặt của Trung Quốc hay không đang là đề tài tranh cãi. Có người cho rằng chủ nghĩa cá nhân khó mà thay đổi được cả một môi trường được định hình đã nhiều năm, như ý kiến của học sinh 18 tuổi Tony Hồ. Nhưng nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu lại đầy hy vọng: “Cảm giác can dự của thế hệ 9X rất mạnh mẽ và đây là một xu hướng chưa kết thúc”.
(Tuổi Trẻ, Thanh Niên/China Daily)