Một năm trước, vào một ngày nắng cao điểm giữa tháng 7, Đặng Ngọc Tiến (1996, Hà Nội) đang ngồi gói hàng để shipper kịp giao cho khách. Anh là chủ gian hàng phụ kiện điện thoại online trên một sàn thương mại điện tử lớn. "Anh trộm vía vẫn đắt hàng nhỉ, ngày nào cũng mấy chục đơn. Nhà nào cũng như nhà anh thì shipper bọn em không lo thiếu việc", shipper đang chờ nhận đơn trước nhà nói.
Câu nói của shipper khiến Tiến có chút giật mình. Anh trộm nghĩ: "Ừ nhỉ! Dạo này shipper đắt hàng thế, khéo ngày trăm đơn. Hay là mình cũng làm giao hàng".
Bọc nốt mấy gói hàng đang dở, Tiến ngồi vào chiếc máy tính quen thuộc và bắt đầu tìm hiểu về cách kinh doanh giao vận. Sau ba tiếng buổi sáng ngồi lì, anh chàng cuối cùng cũng dừng lại, cầm lấy chiếc điện thoại, gọi cho ba người bạn khác với tâm trạng hồ hởi, đầy phấn chấn. Chuyện là Tiến vừa tiếp cận một mô hình giao vận với hình thức nhượng quyền bưu cục của Best Express, muốn chia sẻ với các bạn.
Làm quen với kinh doanh từ khi học đại học, sau khi ra trường, Tiến tiếp tục phát triển gian hàng phụ kiện online, bên cạnh công việc chính lại là kỹ sư ôtô- theo nguyện vọng của bố mẹ. Nhưng sự gò bó, không được làm chủ thời gian khiến Tiến luôn trăn trở về công việc hiện tại. Lại thêm câu chuyện của anh shipper nọ, chàng trai 9x bắt đầu suy nghĩ về hướng đi mới với ngành giao vận.
"Tôi muốn được bứt phá. Tôi nghĩ mình còn trẻ, mình nên thử thách. Nếu vấp ngã mình có thể sửa, có thể làm lại. Không ai trao cho bạn cơ hội ngoài bản thân bạn", Tiến nói.
Anh chàng cũng nhận thấy các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử bắt đầu có xu hướng tăng từ năm 2019. Theo Tiến, ngành chuyển phát cũng phải phát triển để có thể đảm bảo cho lượng hàng. Điều đó càng củng cố quyết định khởi nghiệp với lĩnh vực logistics của chàng trai.
Theo doanh nhân 9x, thương mại điện tử và chuyển phát nhanh có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, anh cũng biết về vận đơn nên cho rằng, nếu bước vào lĩnh vực mới, bản thân không bị bỡ ngỡ nhiều. Mặt khác, trong khi Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ngành thì chuyển phát nhanh ít bị tác động và được dự đoán tiếp tục tăng trưởng trong mùa dịch.
Ngoài ra, với mô hình nhượng quyền bưu cục của Best Express, Tiến được kinh doanh trên nền tảng công nghệ tiên tiến có sẵn, được học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước cũng như được bộ phận vận hành của Best hướng dẫn tỉ mỉ.
Vốn sẵn "máu" kinh doanh lại được tiếp cận mô hình nhượng quyền bưu cục tiềm năng của Best Express, Đặng Ngọc Tiến quyết định khởi nghiệp không chút do dự. Sau khi tính nhẩm, thấy cần số vốn khá lớn- gần một tỷ đồng, một mình không thể "cân" hết, Tiến chủ động chia sẻ dự định đầu tư với ba người bạn khác.
Với 60% vốn đầu tư, Đặng Ngọc Tiến là người đứng tên pháp nhân và chịu trách nhiệm điều hành bưu cục. Anh cũng phụ trách luôn mảng kinh doanh của bưu cục và giao cho một bạn khác phụ trách vận hành. Hai bạn còn lại góp vốn. Bưu cục Best Express Minh Khai ra đời từ đây.
Khó khăn đầu tiên với bưu cục Minh Khai là do có nhiều người cùng góp vốn nên việc phân chia đầu tư lợi nhuận và cách quản lý còn lộn xộn, chưa rõ ràng. "Làm việc nhóm thực sự rất khó, vì bạn phải thống nhất được ý kiến của mọi người, nhất là những việc liên quan đến lợi ích. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Anh em còn trẻ, việc tranh luận, bất đồng ý kiến là đương nhiên", Tiến trải lòng về khó khăn ngày đầu khởi nghiệp.
Khi đó, với vai trò trực tiếp quản lý và vận hành bưu cục, chàng trai 9x trực tiếp tập hợp ý kiến các cổ đông và cùng mọi người phân tích những quan điểm để tìm ra tiếng nói chung nhằm phát triển bưu cục. Khó khăn là vậy nhưng theo Tiến, làm việc theo nhóm cũng có lợi thế nhất định là chia sẻ được các công việc cũng như tìm ra được nhiều phương án để cùng nhau phát triển kinh doanh.
Tháng 8/2020, bưu cục Best Express Minh Khai ra đời tại số 73, đường Văn Tiến Dũng, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bưu cục rộng chừng 80m2 với vỏn vẹn 5 nhân viên, tính cả Tiến và một người bạn. Không có kinh nghiệm về chuyển phát nhanh, về cách thức hoạt động, Tiến cùng các bạn gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu vận hành bưu cục.
Đầu tiên là việc tìm mặt bằng, phải thuận tiện, nằm ngoài mặt đường, không gian rộng lại tiết kiệm chi phí. Cả nhóm mất gần một tuần mới tìm được địa điểm phù hợp. Thứ hai là người làm. Lúc đó, bưu cục chỉ có một bạn kế toán phụ trách các việc và cả nhóm trực tiếp đứng ra vận hành. Một bạn trong nhóm xử lý hàng lấy, Tiến trực tiếp xử lý hàng phát. Lượng hàng lúc đó chưa nhiều, khoảng 3.000-4.000 đơn một tháng, nên chỉ có ba bạn giao hàng.
Bỡ ngỡ nhưng nhờ Best Inc. sử dụng công nghệ tự động hoá tiên tiến để hỗ trợ việc quản lý kinh doanh và vận hành hoạt động nên sau 1-2 tháng bưu cục dần ổn định. Hiện, bưu cục được chia làm 2 khu vực với 2 nhiệm vụ riêng. Một khu vực chuyên xử lý hàng nhận và chăm sóc khách hàng. Một khu vực xử lý hàng phát, trả. Theo nhóm, việc chia khu vực rõ ràng như vậy giúp giảm tối đa hàng hóa mất mát cũng như đảm bảo hàng hóa đến tay khách hàng nhanh nhất.
Về đội ngũ nhân viên, Tiến cho biết, bất kỳ người nào khi gia nhập cũng được đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng ứng xử. Trong quá trình làm việc, nhân viên được đào tạo về quy trình vận hành cũng như cách sử dụng các phần mềm quản lý giám sát để đảm bảo luôn làm khách hàng hài lòng về chất lượng dịch vụ. Doanh nhân trẻ luôn dặn dò nhân viên "Khách hàng là nguồn sống của mình". Khi gặp tình huống khách phản hồi về việc trễ đơn, nhân viên bưu cục sẽ luôn bắt đầu bằng lời xin lỗi, sau đó giải thích và cam kết hỗ trợ tốt nhất.
"Quản lý con người là một bài toán lớn", Tiến kể về khó khăn lớn nhất của ngành giao hàng. Anh cho rằng, ngành này đòi hỏi nhân viên giao hàng phải có thái độ phục vụ tốt, cách làm việc chuyên nghiệp và quan trọng là trung thực.
Cẩn thận là thế nhưng Tiến cũng gặp không ít tình huống "dở khóc dở cười" trong quá trình vận hành bưu cục. Điển hình là vụ một shipper cầm luôn tiền thu hộ của bưu cục và biến mất. "Thông thường, anh em giao hàng sẽ nộp tiền thu hộ một lần vào cuối ngày. Nhưng lần đó, chờ mãi mà không thấy bạn shipper mang tiền về. Mấy anh em ngồi nhìn nhau bảo khéo mất rồi", Tiến kể. Tuy nhiên, cuối cùng nhóm vẫn lấy lại được tiền nhờ sử dụng giấy tờ pháp lý có liên quan từ khi ký hợp đồng làm việc với bạn shipper này. Sau vụ việc đó, cả nhóm rút kinh nghiệm sâu sắc, tuyển chọn người giao hàng kỹ hơn, thậm chí cọc tiền trước khi mang hàng đi giao.
Hiện, bưu cục Minh Khai có 20 shipper và khoảng 10 nhân viên văn phòng. Dù đã hoạt động trôi chảy nhưng ngày nào Tiến cũng có mặt tại bưu cục để hỗ trợ mọi người. 9x cho rằng, bản thân cũng phải nỗ lực học hỏi, nắm bắt tình hình hoạt động thực tế tại bưu cục và sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp.
Thông thường, một ngày làm việc của nhân viên bưu cục Minh Khai sẽ bắt đầu lúc 7h. Các shipper sẽ chia, chọn hàng hoá tại kho của bưu cục và tiến hành đi phát. Đến cuối ngày, các bạn giao hàng sẽ gửi lại tiền thu hộ cho kế toán của bưu cục.
Sau một năm hoạt động, bưu cục Best Express Minh Khai đã tăng lên 30 nhân viên. Trung bình mỗi tháng bưu cục giao khoảng 25.000 đến 30.000 bưu kiện. Tháng cao điểm, có chương trình ưu đãi của các sàn thương mại điện tử, bưu cục phát 4.000 - 5.000 đơn một ngày. Tiến phải thuê khoảng 10-20 shipper thời vụ để kịp giao hàng cho khách. Đến nay, sau 1 năm hoạt động doanh thu của bưu cục tăng từ 8 đến 10 lần so với thời điểm mới vận hành, trung bình mỗi tháng thu về khoảng 500 triệu đồng.
"Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, bưu cục vẫn hoạt động tốt và tăng trưởng đều, tạo ra việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục nhân viên. Đồng thời mang đến cho khách hàng địa phương dịch vụ chuyển phát uy tín và hiệu quả", Tiến chia sẻ thành quả hoạt động.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường giao hàng, Tiến và nhóm bạn cho biết vẫn đang hoạt động tích cực để phát triển chuỗi bưu cục. Cụ thể, nhóm bạn sẽ đẩy mạnh các hoạt động marketing tại địa phương để quảng bá thương hiệu Best đến gần hơn với khách hàng. Bên cạnh đó là kế hoạch mở thêm hệ thống bưu cục cấp 2 để tạo điều kiện cho các bạn có nhu cầu khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển phát nhanh có cơ hội tham gia và cùng phát triển kinh doanh.
Dự kiến, tháng 8 này, nhóm của Tiến sẽ mở bưu cục cấp 2 tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và trong năm sẽ mở thêm bưu cục tại Minh Khai, Hà Nội. Hoạt động này nhằm tạo mạng lưới phủ rộng, giúp các đơn hàng đến tay khách hàng sớm nhất.
Là người thuộc thế hệ 9X, Tiến cho rằng việc khởi nghiệp ở tuổi 24- độ tuổi khá trẻ có những lợi thế riêng. "Tuổi trẻ có đam mê làm chủ với nhiệt huyết rất cao bên cạnh đó là sự nhạy bén trong việc tiếp cận các cộng nghệ mới". Tuy nhiên, chàng trai trẻ cũng nhận thức được, khó khăn của tuổi trẻ khi khởi nghiệp là nguồn vốn chưa có nhiều, các mối quan hệ xã hội còn hạn chế và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý nhân sự.
"Tuy nhiên với quyết tâm chinh phục thử thách, quyết tâm tự mình làm chủ và được sự tư vấn nhiệt tình từ đội ngũ Best, tôi cùng các đồng sự đã cùng nhau vượt qua mọi trở ngại", Tiến kể. Chàng trai 9x cũng nhắn gửi các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực logistics hãy biết chớp thời cơ càng sớm càng tốt.
Đặng Ngọc Tiến cũng gợi ý các bạn trẻ muốn startup trong lĩnh vực logistics có thể tham khảo mô hình nhượng quyền bưu cục của Best. Bởi mô hình này cho phép bạn mở rộng và phát triển kinh doanh dựa trên tài nguyên sẵn có của nhà nhượng quyền như mạng lưới dịch vụ trải rộng toàn quốc, nền tảng công nghệ tự động hoá với các ứng dụng quản lý vận hành tiên tiến có sẵn, được học hỏi kinh nghiệm từ anh chị đi trước cũng như được bộ phận vận hành của Best hướng dẫn kỹ lưỡng, được cung cấp các công cụ hỗ trợ vận hành giúp dễ dàng quản lý bưu cục.
"Chuyển phát nhanh đang có những tiềm năng thuận lợi để phát triển và chắc chắn sẽ càng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần, hãy là người đầu tư thông minh và biết nắm bắt cơ hội", Tiến nhận định.
An Nhiên
Thiết kế: Tấn Nguyễn