Người gửi: Tran Ngoc Quynh Anh
Tôi chia sẻ và hết sức đồng ý với ý kiến của chị Trần Thị Minh Hương - một suy nghĩ vô cùng đúng đắn về việc học phổ thông hiện nay. Thiết nghĩ, ý kiến của chị không chỉ là... thư ngỏ "gửi đến Ban Giám Hiệu và các thầy cô" mà cần được gửi đến Bộ trưởng GD&ĐT.
Đây không chỉ là vấn đề của các trường, của Ban giám hiệu hay các thầy cô mà là phong cách quản lý giáo dục phổ thông hiện nay. Chính các thầy cô và các trường cũng chịu những áp lực... thi đua, mà thực chất là cốt lõi của căn bệnh thành tích. Ngoài ra, còn do áp lực từ việc thiếu cơ sở vật chất, thiếu trường lớp dẫn đến "cạnh tranh" để các em đuợc vào các trường điểm, trường chuyên, lớp chọn...
Tôi cũng không hy vọng một sự thay đổi tức thời. Song, một vấn đề bức xúc "không nói ra thì không ai biết, mà nói ra thì... ai cũng biết cả", mà không được lên tiếng thì thật phi lý và bất công, thật đáng lo ngại. Nó không chỉ gây ảnh hưởng nhãn tiền tới xã hội hiện thời mà còn là nguy cơ cho tương lai đất nước.
Người gửi: Nghiem Minh
Sau khi đọc bài: "Nỗi buồn của một học sinh thế hệ 9X" trên VnExpress.net, tôi thật sự có nhiều trăn trở bởi chính gia đình tôi cũng đang có 2 con ở lứa tuổi 9X.
Nhiều lúc tôi thực sự lo lắng, với kiểu học như vậy rồi các cháu sẽ phát triển về thể chất và tâm hồn như thế nào? Suốt ngày chỉ biết học, hết học ở lớp, học thêm ở trường rồi lại phải học ở một vài nơi khác nữa thì mới theo kịp chương trình. Các cháu không còn thời gian để nghỉ ngơi, giải trí mà lẽ ra ở lứa tuổi này, các cháu đáng phải được hưởng.
Tôi cũng đã có dịp được đi công tác và làm việc ở một số nước châu Âu như Hà Lan, Bỉ, Hungary... Cũng như nhiều độc giả đã từng biết, tôi tìm hiểu thấy cách học tập của lứa tuổi học trò không đến nỗi căng thẳng như ở nước ta. Họ vẫn dành những thời gian đáng kể cho việc thăm quan, giải trí mà vẫn đảm bảo truyền đạt được những kiến thức cơ bản cho học sinh.
Đành rằng chúng ta đang có những chính sách cải cách trong giáo dục để nâng cao chất lượng của học sinh nhưng không có nghĩa là phải học quá nhiều và quên mất những quyền được vui chơi, nghỉ ngơi...
Nói ra những trăn trở này, tôi không hy vọng một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được nếp học như hiện nay trong các trường phổ thông, mà chỉ muốn nêu hiện trạng thực tế hiện nay của các cháu ở lứa tuổi học trò. Nên chăng, những nhà quản lý giáo dục cần xem xét lại hiện trạng này và tham mưu cho Chính phủ có những quyết sách hợp lý để mang lại lợi ích thiết thực, giúp cho trẻ phát triển toàn diện cả về học thức lẫn tinh thần.