Gần 7h sáng, lối vào THPT Đống Đa nằm trên ngõ Quan Thổ 1 (Hà Nội) đông nghẹt học sinh. Đỗ xịch chiếc Attila màu bạc dưới hè đường, cô nữ sinh nhón bước đi thẳng. "Chúng nó toàn là khách quen, cứ đỗ dưới lòng đường là có người dắt xe. Nếu để chúng nó tự dắt xe vào sẽ bị nhà trường hoặc lực lượng công an phát hiện", bà bán ngô trước cổng trường cho biết.
9x "hồn nhiên" kẹp 4 qua ngã tư. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Học sinh "lách luật"
Người đàn bà hơn 50 tuổi, chạy nhanh ra bãi trông xe trước mắt để phụ giúp cho người đàn ông. Nồi ngô luộc bán cho học sinh, tiền lãi chẳng đáng là bao, gia đình bà phải kiêm luôn chân trông giữ xe. Hôm nay, bãi xe nhà bà nhận chừng 20 xe đạp và 3 chiếc xe máy. Hầu hết những chiếc xe máy lao lên bãi gửi đều được người đàn ông cẩn thận quay đầu ra mặt đường.
"Thành phố làm gắt nên học sinh cũng sợ, bây giờ tôi trông chủ yếu là xe đạp. Xe máy tụi học sinh mang hết vào khu tập thể Ngân hàng trong kia gửi rồi", người phụ nữ trên tiết lộ
Theo lối chỉ dẫn, tại khu tập thể Ngân hàng, chân cầu thang của dãy nhà A, mới 7h20 có đến gần 50 chục xe các loại. Theo một số người dân ở đây, trong đó cũng có rất nhiều xe của học sinh.
Tại THPT Quang Trung, chỉ trong vòng 30 phút VnExpress ghi nhận hơn chục học sinh mang áo đồng phục của trường dắt xe máy ra, vào tấp nập ở một ngôi nhà trên đường Láng gửi - địa điểm cách trường khoảng 50 mét.
10h sáng, buổi khai trường hoặc tổng duyện khai trường kết thúc, nhiều học sinh trong bộ đồng phục hồn nhiên cưỡi xe máy rủ nhau "đi hiệp 2". Điểm đến vẫn là các quán chè, kem hay các shop thời trang tuổi teen quen thuộc.
Trên phố Nam Cao, sau tiếng loa dặn dò của thày cô trong buổi tổng duyệt lễ khai giảng, từng tốp học sinh mang áo có phù hiệu trường chuyên Hà Nội - Amsterdam "kẹp 3" cười nói hỉ hả, liên tục "đảo" qua các quán net, quán ăn gọi bạn. Bên lề đường, hàng chục phụ huynh ngồi đợi con lắc đầu ngao ngán. Hai dãy dài ô tô chen kín con phố.
"Nhà xa nên sẽ tiếp tục đi xe máy"
Tại TP HCM, giờ tan trường sáng nay, tại không ít THPT quận 1 và 3, nhiều học sinh vẫn thản nhiên đi xe gắn máy, thậm chí còn chở 3 chạy trên đường phố. "Em biết chạy như thế này là vi phạm, nhưng trước giờ đâu có bị hỏi han gì", Tiến học sinh lớp 11, THPT Lê Qúy Đôn, quận 3, nói.
Khi được biết từ ngày mai, học sinh TP HCM đi xe máy sẽ bị xử lý nghiêm, Tiến vẫn không có ý định thay phương tiện di chuyển. "Em phải đi xe máy, chỉ cố gắng đi cẩn thận để không bị phạt thôi. Nhà em khá xa trường, không tiện đường xe buýt, ba mẹ không có thời gian đưa rước, đi xe ôm thì tốn kém", Tiến cho biết.
Học sinh ở TP HCM đi xe phân khối lớn. Ảnh: Kiến Huy |
Nhóm học sinh THPT Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có suy nghĩ tương tự. Theo Hiệp, thành viên của nhóm này, khi lưu thông trên đường bị bắt, thì đành chịu phạt. "Lần trước cũng đã phát động cấm đi xe máynhưng cuối cùng tụi em chạy xe đi học bình thường, gửi xe ở nhà dân lân cận", Hiệp nói.
Còn Đặng Trần Việt Anh, một học sinh THPT Lê Quý Đôn, bắt đầu tính đến phương tiện giao thông thay thế: "Nếu cảnh sát xử lý nghiêm, lại còn thêm quy định buộc phải đội mũ bảo hiểm thì em chuyển sang đi xe ôm hoặc xe bus, cùng lắm chạy xe đạp".
Hôm nay, lực lượng cảnh sát giao thông TP HCM cũng ra quân triển khai quy định chấn chỉnh học sinh vi phạm Luật giao thông. CSGT cũng ghi nhận các bãi giữ xe trong và ngoài trường còn tiếp tục tổ chức giữ xe mô tô phân khối lớn cho học sinh và thông báo về Sở GD&ĐT, Ban an toàn giao thông các quận, huyện để có biện pháp xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Nhựt, CSGT đội 1, trực tại ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Trần Hưng Đạo, đội đã yêu cầu khá nhiều học sinh đi xe gắn máy dừng lại để nhắc nhở về quy định trên. "Ngày đầu, chúng tôi chỉ ghi nhận tình hình và báo cáo về Phòng cảnh sát giao thông. Từ ngày mai, học sinh đi xe phân khối lớn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định", ông Nhựt cho biết.
Một số trường sẽ đuổi học học sinh đi xe máy
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một số trường ở Hà Nội cho rằng, nếu để một mình ngành giáo dục vào cuộc chắc khó có thể đạt được hiệu quả cao. Theo lãnh đạo THPT Quang Trung, muốn làm tốt vấn đề này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của gia đình, nhà trường cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan như UBND, công an, giao thông công chính…
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cho biết, năm học 2006-2007, trường đã cảnh cáo 2 học sinh đi xe máy đến trường. Năm học này, trường sẽ tiến hành áp dụng hình thức kỉ luật mạnh hơn.
"Nếu học sinh chưa có bằng vẫn đi xe máy, khi bị bắt có giấy báo của công an gửi đến trường chúng tôi sẽ tiến hành kỉ luật. Hình phạt cao nhất là đuổi học", ông Lâm nói.
Trước ngày khai giảng (3/9), trường Đinh Tiên Hoàng đã cho toàn bộ học sinh cam kết thực hiện nghiêm túc.
"Ngoài việc phụ huynh giáo dục nghiêm túc con em mình, nhà nước cũng cần phải có những hỗ trợ thích hợp để khuyến khích nhiều hơn nữa học sinh THPT tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt", ông Lâm đề xuất.
Theo lãnh đạo một số trường ở TP HCM, đối với học sinh vi phạm lần 1, trường sẽ kiểm điểm, hạ bậc hạnh kiểm, cảnh cáo trước lớp và mời phụ huynh vào cam kết. Tái diễn lần 2, học sinh sẽ bị hạ thêm một bậc hạnh kiểm và cảnh cáo trước toàn trường, mời phụ huynh và học sinh cam kết lần nữa. Vi phạm lần 3, nhà trường sẽ lập hồ sơ học sinh đó đưa ra Hội đồng kỷ luật.
"Môn Giáo dục công dân của nhà trường sẽ có những bài giảng về an toàn giao thông. Chúng tôi cũng tổ chức cuộc thi viết bài, khẩu hiệu về việc an toàn giao thông trong toàn trường để nâng cao ý thức các em học sinh", cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu phó THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) cho biết.
Tuấn Anh - Nguyễn Hưng - Nhơn Huy