Ngày 15/1, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đồng ý phương án tập trung kinh tế theo hình thức liên doanh giữa Samsung C&T và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC. Sau khi được "bật đèn xanh", Samsung C&T và SMC chính thức liên doanh xây dựng trung tâm gia công thép cao cấp của Samsung tại Châu Á, với tên gọi VSSC. Liên doanh đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tin công ty chủ chốt của Samsung liên doanh với một đối tác Việt Nam gây bất ngờ, bởi doanh nghiệp Hàn Quốc thường chuộng công thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Theo giới đầu tư, tiềm lực của Samsung C&T và thế mạnh nội địa của SMC sẽ giúp VSSC thành liên doanh đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thép sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu.
Tham gia vào quá trình đàm phán và thực hiện dự án, ngoài những nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo Samsung C&T và SMC có những nhân sự khá trẻ.
Sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, Khoa trở về Việt Nam cuối năm 2014, bắt đầu công việc tại từ vị trí chuyên viên kinh doanh. Nhờ sự khiêm tốn và ham học hỏi, kỹ sư trẻ nhận được sự tín nhiệm của ban lãnh đạo công ty và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng.Đại diện SMC trong thương vụ với Samsung C&T là Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Thạc sĩ Công nghệ thông tin của ĐH Công nghệ Sydney (Australia).
Trong nhiều năm, kỹ sư 9x làm việc với đối tác Hàn Quốc trong các hoạt động cung ứng thép của SMC cho Samsung Electronics. Đó cũng là lý do anh tiếp tục được giao nhiệm vụ làm cầu nối trong việc đàm phán giữa hai bên.
Anh nhấn mạnh nhận được nhiều sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo cũng như đồng nghiệp từ hai công ty. "Thuận lợi của SMC trong quá trình đàm phán là việc công ty có sự tin tưởng và tín nhiệm từ đối tác Samsung C&T những năm qua. Điều này là tối quan trọng vì các đối tác Hàn Quốc yêu cầu tín nhiệm rất cao từ đồng sự", Khoa nói.
Bên cạnh đó, lợi thế của SMC là đội ngũ nhân sự chủ chốt nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu cách vận hành chuỗi cung ứng thép tại thị trường châu Á. Theo Đăng Khoa, bản thân chỉ là người đóng vai trò xúc tiến, kết nối để phía Samsung C&T nhận thức đầy đủ điểm mạnh, tiềm năng và giá trị của SMC trên cương vị đối tác liên doanh phù hợp.

Giám đốc điều hành VSSC Min Young-Hyun (trái) và Nguyễn Ngọc Đăng Khoa (phải) trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa Samsung C&T và SMC.
Trong quá trình đàm phán, Khoa có thời điểm muốn bỏ cuộc vì không tìm được tiếng nói chung giữa hai bên. Dũng khí để kỹ sư trẻ tiếp tục thực hiện công việc là sự động viên từ gia đình và đồng nghiệp. "Tôi may mắn vì có gia đình hỗ trợ về mặt tinh thần, lãnh đạo SMC hỗ trợ về kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi nhận được sự hỗ trợ và cố vấn về chuyên môn từ bạn tôi - Vũ Đỗ Khanh, Thạc sĩ ĐH Oxford và hiện đang làm công tác nghiên cứu kinh tế tại Mỹ. Nếu không có sự giúp đỡ của tập thể, một mình tôi không thể hoàn thành việc này", Khoa tâm sự.
Theo Khoa, yếu tố quan trọng cần có khi bước vào đàm phán thương mại là sự vững vàng, kiến thức và niềm tin. Sự vững vàng xem xét trên nhiều phương diện, trong đó điều kiện tài chính là "xương sống" để doanh nghiệp thương thảo với các tập đoàn quốc tế lớn. Vốn kiến thức về kinh tế, xã hội và pháp luật cần có để xây dựng những chiến thuật đúng đắn. Niềm xây dựng giữa các đối tác cũng là tiền đề để việc hợp tác sau này có ổn định hay không.
Theo ông Frank Kim, Giám Đốc Văn phòng đại diện Samsung C&T tại TP HCM, Khoa là đại diện thế hệ trẻ ngày nay với năng lực cao, tư duy quốc tế hoá và tác phong chuyên nghiệp. "Những người trẻ tài năng cho chúng tôi những góc nhìn đa chiều trong quá trình thương thảo và luôn hỗ trợ chúng tôi về mặt pháp lý cho VSSC", ông Frank Kim nói. Ông đánh giá cao nỗ lực và đam mê của Đăng Khoa trong công việc, tin rằng kỹ sư trẻ sẽ có những bước tiến xa hơn và ghi dấu ấn trong doanh nghiệp mình, cũng như ngành thép Việt Nam trong tương lai.
Hoài Phong