Trước khi Vietjet vào thị trường, tỷ lệ mua vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam đạt dưới 8%, thanh toán trực tuyến rất thấp. Năm 2019, tổng thu không tiền mặt của toàn hệ thống đạt 2,5 tỷ USD tăng 25% so với năm 2018.
Số liệu này được Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thúy Bình đưa ra tại Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách hướng tới tương lai" diễn ra sáng 12/6 tại TP HCM.
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ thành công trong việc áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến. Về phía Vietjet, bà Thúy Bình nhận định hãng hàng không tư nhân không chỉ thay đổi nhận thức và thói quen đi lại bằng máy bay của người dân mà còn có vai trò thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng, nỗ lực với vai trò "chất xúc tác cho sự thay đổi của thị trường".
Những năm gần đây, hãng này liên tục phát triển các tiện ích thanh toán cho khách hàng thông qua: thẻ tín dụng như Visa, Master, JCB, Amex, thẻ ghi nợ nội địa, E-banking kết nối với hơn gần 40 ngân hàng trong nước và quốc tế, QR Pay, hợp tác với các ví trong nước. Phương thức thanh toán mới là trả góp online cũng được ra mắt vào Ngày không tiền mặt năm 2019.
"Chương trình '12h rồi Vietjet thôi' tạo thói quen cho người làm văn phòng vừa ăn trưa vừa săn vé và thành toán trực tuyến để nhận khuyến mại. Gần đây, chúng tôi tung ra 2,5 triệu vé khuyến mại từ 8.000 đồng cho 8 đường bay mới và chỉ áp dụng cho hình thức thanh toán trực tuyến", bà Bình cho biết.
Dịch vụ đa dạng, phương thức mua vé và thanh toán trực tuyến phong phú, tiện lợi sẽ kích thích mạnh hơn đến thói quen tiêu dùng thông minh của thị trường. "Nếu thị trường thanh toán không tiền mặt là bánh thì Vietjet là bột nở để làm cái bánh này lớn hơn", bà ví von.
Theo lãnh đạo hãng, sau đại dịch Covid19, xu hướng sinh hoạt, tiêu dùng online càng trở nên phổ biến. Do đó, Vietjet đang hoàn thiện phiên bản mới của kênh bán hàng với các tiện ích thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, đơn vị đang phát triển một "siêu ứng dụng" không chỉ bán vé máy bay mà khách hàng còn có thể mua sắm nhiều sản phẩm, dịch vụ khác như khách sạn, thuê xe, cho vay tài chính...
Sau 5 năm triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - Phạm Tiến Dũng cho biết tại sự kiện, hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Với hệ sinh thái thanh toán điện tử hoàn thiện, người dân có thể trả các hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm...mà không cần dùng tiền mặt.
Bên cạnh Vietjet, nhiều câu chuyện thú vị khác cũng được chia sẻ như ở Tập đoàn Điện lực, đến năm 2019, 63,91% số hóa đơn và 81,27% tiền điện đã được thanh toán qua ngân hàng hay tổ chức tín dụng, trong đó 54,64% số hóa đơn và 72,32% tiền điện được thực hiện qua các phương thức không dùng tiền mặt.
An Bình