Tổng cục Thuế cho biết, đến nay, đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến ngày 19/8, có 832.802 doanh nghiệp trên tổng số 841.018 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99%.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với hệ thống ngân hàng là 831.154, đạt 98,8%. Từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua hơn 2,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 486.844 tỷ đồng và hơn 29 triệu USD.
Về khai thuế điện tử, hệ thống này đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Đến nay, có 838.787 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện, đạt tỷ lệ 99,7%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là gần 13 triệu hồ sơ.
Việc hoàn thuế điện tử cũng đã triển khai tại 63 tỉnh. Tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 7.654, đạt tỷ lệ 97,44 %. Số hồ sơ tiếp nhận là 17.177 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,49 %. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 12.428 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 79.772 tỷ đồng.
Song song đó, ngành Thuế cũng triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế là 304, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 122 thủ tục, mức độ 3 là 32 thủ tục, mức độ 4 là 150 thủ tục. Dự kiến trong năm 2021, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thành tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyếnmức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đây là những kết quả tích cực của toàn ngành Thuế trong thời gian qua. Theo đó, ngành liên tục triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc thúc đẩy dịch vụ thuế trực tuyến không chỉ phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn góp phần giảm áp lực cho cơ quan thuế.
Ngoài ra, việc triển khai các dịch vụ điện tử còn có ý nghĩa to lớn trong điều kiện dịch bệnh. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục nộp thuế mà không gặp khó khăn, nhất là ở những vũng giãn cách theo chỉ thị của Chính phủ. Dịch vụ thuế điện tử cũng góp phần đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh.
Khi tham gia dịch vụ thuế trực tuyến, doanh nghiệp không chỉ được giải quyết thủ tục giấy tờ hành chính nhanh chóng, thông suốt, đơn giản hóa quy trình, giấy tờ mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, giao dịch.
"Nếu trước đây, người nộp thuế phải đi lại rất nhiều, làm các thủ tục mới nộp thuế thành công thì với dịch vụ điện tử, chỉ cần ngồi một chỗ là đã có thể nộp thuế thành công. Thậm chí, các giao dịch trong ngày lễ, ngày nghỉ cũng thông suốt nhờ hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại cập nhật 24/7", ông Khắc Cường- giám đốc một doanh nghiệp vật tư xây dựng tại Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Cường, việc nộp thuế điện tử cũng giúp doanh nghiệp được minh bạch về kê khai, nộp thuế. Doanh nghiệp có thể truy cập Cổng thông tin điện tử của Cơ quan thuế để xem, in, tải về các thông báo, giấy nộp thuế điện tử đã nộp. Nhờ đó, kiểm tra, kiểm soát tình hình nộp thuế của doanh nghiệp bất cứ khi nào và có kế hoạch làm việc hiệu quả.
Thực tế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng theo thời gian, kéo theo lượng thông tin quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh cũng ngày một tăng lên. Đây là một trong những thách thức lớn mà ngành Thuế đang phải đối mặt. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm đảm bảo kiểm soát hệ thống cơ sở dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
"Ngành Thuế đang tích cực chuyển đổi số, hướng tới chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Tuệ Minh