"Gần như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) đang hít thở không khí chứa lượng chất ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn an toàn theo khuyến nghị của WHO và bị đe dọa sức khỏe", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm nay khi công bố dữ liệu ô nhiễm không khí mới.
Trong báo cáo 4 năm trước, WHO phát hiện hơn 90% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng và tổ chức này đã siết chặt tiêu chuẩn chất lượng không khí kể từ đó. "Bằng chứng về tác hại của ô nhiễm không khí ngày càng rõ ràng, đồng thời cho thấy ngay cả mức ô nhiễm thấp cũng gây ra những vấn đề lớn", WHO cho hay.
Liên Hợp Quốc năm ngoái cho biết các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trong đại dịch đã cải thiện chất lượng không khí trong thời gian ngắn, nhưng cho rằng ô nhiễm vẫn là vấn đề đáng báo động.
"Sau khi sống sót qua đại dịch, không thể chấp nhận rằng vẫn còn 7 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được, cũng như vô số ca giảm sức khỏe và tuổi thọ do ô nhiễm không khí", Maria Neira, người đứng đầu bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, nói.
Nghiên cứu của WHO sử dụng dữ liệu chất lượng không khí từ hơn 6.000 thành phố và thị trấn trên 117 quốc gia. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết số liệu này rất đáng báo động, nhấn mạnh cần nhanh chóng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
"Những e ngại về tình hình năng lượng hiện nay đã cho thấy tầm quan trọng của đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch và xanh hơn", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, nhắc tới tình hình giá nhiên liệu trên thế giới tăng vọt thời gian gần đây.
Báo cáo của WHO cung cấp thông tin về nồng độ các hạt vật chất nguy hiểm có đường kính 2,5 tới 10 micromet (PM10) và các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) trong không khí.
PM2.5, bao gồm các chất độc như sunfat và cacbon, đe dọa sức khỏe vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ tim mạch. Đây là lần đầu tiên báo cáo của WHO cung cấp chỉ số quan trắc trung bình năm nồng độ NO2, chất ô nhiễm phổ biến tại khu vực đô thị gây ra nhiều bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn.
Ô nhiễm bụi mịn tệ nhất ở những nước nghèo, nhưng đa số các thành phố đều gặp vấn đề với ô nhiễm NO2. Trong số 4.000 thành phố khắp 74 quốc gia mà WHO thu thập dữ liệu NO2, chỉ 23% người dân hít thở không khí có nồng độ trung bình hàng năm đáp ứng tiêu chuẩn trong ngưỡng mới cập nhật gần đây của tổ chức này.
Hồng Hạnh (Theo AFP)