Tại báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm năm 2023, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết 92 người bị khởi tố về các tội: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Không tố giác tội phạm, Che giấu tội phạm và Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Bộ Công an đã tổ chức rút kinh nghiệm, triển khai giải pháp không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Hồi tháng 7, Bộ Công an thông báo đã khởi tố 90 bị can. Vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) xảy ra rạng sáng 11/6, do hai nhóm vũ trang thực hiện. Các nghi phạm sát hại Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu, 4 công an và 3 người dân; làm hai công an và nhiều người khác bị thương.
Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm. Tình hình an ninh tại các địa bàn chiến lược còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn. Vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ bí mật Nhà nước còn diễn ra phức tạp.
Giai đoạn tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, Bộ Công an cho biết toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm 1.200 người chết, thiệt hại tài sản khoảng 13.200 tỷ đồng (tăng gần 460% so cùng kỳ). Nhóm tội phạm chiếm tỷ lệ cao là giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em; cướp, trộm cắp, lừa đảo. Trong số này nổi lên hành vi mua bán nợ, đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo trên không gian mạng.
Về án kinh tế, giai đoạn trên có 5.700 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, gần 800 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Vụ án chủ yếu trong kiểm định phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch lái xe; quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá; tài chính, ngân hàng; chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; thường xuyên thanh tra việc chấp hành pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm. Năm 2024, Bộ Công an sẽ tăng cường phân tích, dự báo sát tình hình để đảm bảo trật tự an toàn xã hội; an ninh kinh tế, an ninh tại các địa bàn chiến lược...