Nghiên cứu do Trung tâm Phát triển nông nghiệp bền vững, Trung tâm Nghiên cứu về giới và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông thôn khảo sát tại ba vùng sinh thái của cả nước là An Giang - Nam Định - Phú Thọ từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay.
Kết quả cho thấy, số năm sử dụng hóa chất trong nhóm nông dân là khá cao như tại An Giang trung bình là 16, Nam Định là 22, Phú Thọ là 23 năm. Trong đó, 86% nông dân đồng ý hóa chất bảo vệ thực vật là chất độc gây ảnh hưởng rõ tới sức khỏe của người dân cũng như làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là về nguồn nước.
Trong nghiên cứu, nhóm nhà khoa học tập trung tìm hiểu hai loại hóa chất trừ sâu độc hại Paraquat (hoạt chất diệt cỏ phổ rộng) và Chlorpyrifos (thuốc trừ rầy, sâu, mối mọt, phổ rộng) vốn đã được nhiều nước loại ra khỏi danh mục sử dụng.
Tại Việt Nam, hai hóa chất này đang được sử dụng phá phổ biến nhưng có tới 90% nông dân lại không hề biết tên cũng như kiến thức về chúng. Về liều lượng, 31% nông dân đã sử dụng hóa chất ở mức cao hơn khuyến cáo. Nông dân trồng rau sử dụng nồng độ hóa chất bảo vệ thực vật cao hơn khuyến cáo nhiều hơn so với những nông dân khác.
Liên quan đến sức khỏe, báo cáo cho thấy, 8,5% nông dân khẳng định từng bị ngộ độc trong khi sử dụng hóa chất. Các triệu chứng mà số đông gặp phải là mệt mỏi, nóng và ngứa, nhức đầu...
Tại hội nghị triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt diễn ra tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, trở ngại nhất hiện nay là thói quen canh tác của người nông dân dựa vào thuốc bảo vệ thực vật là chính. Còn theo các chuyên gia quốc tế có đến 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí.
Từ thực trạng trên, Mạng lưới hành động về hóa chất trừ sâu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã kêu gọi tổ chức, cá nhân cần hành động chấm dứt việc sử dụng hóa chất từ sâu có độ nguy hại cao trong chiến dịch "Tuần lễ không sử dụng hóa chất trừ sâu". Tuần lễ để tưởng nhớ hàng nghìn người đã chết và hàng chục nghìn người vẫn đang và sẽ còn chịu hậu quả của thảm họa Bhopal. Đây được coi là thảm họa tồi tệ nhất của ngành công nghiệp hóa chất trong lịch sử.
Chiến dịch năm nay có chủ đề "Bảo vệ trẻ em của chúng ta". Trẻ em tham gia vào lao động nông nghiệp cũng bị phơi nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, một vài em còn tham gia vào việc phun hóa chất bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển về thể chất và tinh thần.
Hương Thu