Lệnh cấm được chính quyền tỉnh Tứ Xuyên thực thi hồi cuối tuần trước, trong bối cảnh hoạt động khai thác tiền ảo bị siết chặt trên toàn lãnh thổ Trung Quốc để bảo đảm mục tiêu cắt giảm khí phát thải. Các bể đào (pool) tại Trung Quốc như Huobi Pool, Binance và AntPool đều chứng kiến mức sụt giảm 20 đến 40% năng lực khai thác (hashrate) trong vòng 24 giờ qua.
Quyết định của chính quyền Tứ Xuyên khiến hơn 90% số mỏ đào Bitcoin tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, ít nhất là trong ngắn hạn, khi giới chức nhiều tỉnh ở miền Bắc và Tây Nam cũng áp dụng chính sách quản lý nghiêm khắc tương tự.
Một số thợ đào từng hy vọng giới chức Tứ Xuyên, nơi dồi dào năng lượng thủy điện, sẽ áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, lệnh cấm nhấn mạnh quyết tâm của giới chức Trung Quốc nhằm hạn chế hoạt động giao dịch tiền ảo và kiểm soát các mối đe dọa tài chính, bất chấp một số lợi ích cho nền kinh tế địa phương.
"Lối thoát đang dần đóng lại. Chúng tôi phải vội vàng tìm các mỏ đào ở nước ngoài để triển khai máy móc", một nguồn tin giấu tên trong ngành đào tiền ảo ở Tứ Xuyên, cho hay và thêm rằng nhiều thợ đào đã bị thiệt hại nặng.
Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Tứ Xuyên cùng Sở Năng lượng Tứ Xuyên tuần trước ra thông cáo chung, yêu cầu các công ty điện lực "rà soát, dọn dẹp và chấm dứt" toàn bộ hoạt động đào tiền ảo trước ngày 20/6. Thông cáo này cũng liệt kê 26 công ty được kiểm kê và đánh giá là doanh nghiệp đào tiền ảo tiềm tàng.
Giới chức Tứ Xuyên ra lệnh cho các công ty điện lực chấm dứt cung cấp nguồn điện cho các mỏ đào tiền ảo đã bị phát hiện, đồng thời tự thanh tra và báo cáo kết quả. Chính quyền địa phương cũng bị cấm phê duyệt các dự áo đào tiền ảo mới.
"Chúng tôi từng hy vọng Tứ Xuyên sẽ là ngoại lệ trong chiến dịch này, bởi nguồn cung điện rất dồi dào trong mùa mưa. Tuy nhiên, các nhà quản lý đang áp dụng cách tiếp cận thống nhất và thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp khai thác Bitcoin ở Trung Quốc", Shentu Qingchun, CEO công ty blockchain BankLedger ở Thâm Quyến, cho hay.
Khu tự trị Tân Cương, Nội Mông và tỉnh Hồ Nam cũng đã công bố quy định cấm đào Bitcoin trước đó. "Điều này nghĩa là 90% năng lực đào Bitcoin ở Trung Quốc, tương đương một phần ba năng lực xử lý toàn cầu, sẽ biến mất trong ngắn hạn. Các thợ đào Trung Quốc sẽ phải tìm đến những địa điểm mới như Nga hoặc Bắc Mỹ", Shentu nói.
Wang Peng, trợ lý giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định động thái của giới chức nước này phù hợp với các nhà quản lý tài chính toàn cầu, trong đó tăng cường giám sát giao thương tiền ảo để ngăn chặn các mối đe dọa tiền tệ và hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền.
Điệp Anh (Theo Global Times)