Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thu thập dữ liệu không khí từ hơn 4.300 thành phố và 108 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2015. Trong báo cáo công bố hôm 1/5, mỗi năm thế giới có 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, theo CNN.
"Tôi e thảm kịch thực sự là mức ô nhiễm không khí vẫn ở tình trạng báo động nguy hiểm tại nhiều khu vực trên thế giới", Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc Ủy ban Y tế Công cộng, Môi trường và Ảnh hưởng của Yếu tố Xã hội tới Sức khỏe, cho hay.
"Ô nhiễm không khí ngày nay không chỉ là nguy cơ lớn nhất về môi trường tới sức khỏe, mà còn là một thách thức to lớn với y tế công cộng và là một trong những thách thức lớn nhất theo dự đoán của chúng tôi".
Theo Hướng dẫn Chất lượng Môi trường Không khí của WHO, giới hạn trung bình quan trắc định kỳ cho các hạt vật chất có đường kính dưới 2.5 micromet (PM2.5) là 10 μg/m3,ở dạng này hoặc nhỏ hơn thì các hạt vật chất đó có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra những rủi ro lớn đối với sức khỏe con người.
Loại hạt li ti tồn tại trong không khí gồm có những chất như sulfat, nitrat và cacbon đen, được tạo ra chủ yếu bởi xe hơi và xe tải lưu thông trên đường, các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện và nông nghiệp. Năm 2016, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 4,2 triệu người tử vong.
"Nhiều siêu đô thị trên thế giới có nồng độ PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn của WHO tới 5 lần, đồng nghĩa với việc người dân ở đây chịu rủi ro sức khỏe rất lớn", bà Neira nói. "Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta đang đối mặt".
Người dân châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn 90% số ca tử vong ở khu vực này có liên quan tới không khí ô nhiễm. Peshawar và Rawalpindi ở Pakistan, Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ, Cairo ở Ai Cập là những đô thị có nồng độ ô nhiễm cao nhất. Một số thành phố ở Mỹ, châu Âu và phía đông Địa Trung Hải cũng có nồng độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của WHO.
Một nguồn ô nhiễm không khí khác, vấn đề chủ yếu tại các khu vực đang phát triển, là ô nhiễm trong nhà. Theo WHO, hơn 40% dân số thế giới không được tiếp cận với việc dùng nhiên liệu sạch để nấu ăn và thắp sáng. Họ sử dụng gỗ, phân khô hoặc than để nấu nướng và sưởi ấm, tạo ra bụi không khí trong nhà. Những cải tiến trong công nghệ năng lượng không bắt kịp tăng trưởng dân số, là nguyên nhân của 3,4 triệu ca tử vong do ô nhiễm trong nhà năm 2016, với đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em.
Theo bà Neira, một tín hiệu khả quan là nhiều thành phố đang quan tâm và giám sát chất lượng không khí. Dữ liệu kịp thời và đầy đủ sẽ giúp ích cho chính quyền kịp thời làm sạch không khí.
Các chuyên gia gợi ý nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí tại địa phương, như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng, thay vì lái xe. Ở trong nhà khi mức độ ô nhiễm ngoài trời lên cao. Lắp thiết bị lọc khí trong nhà cũng giúp giảm ô nhiễm.
Hồng Hạnh