Các quốc gia châu Âu đều có những truyền thống đặc trưng trong mùa lễ hội Giáng sinh mà có thể người dân ở các nước khác không rõ. Ví dụ như ở Anh, người dân có những hoạt động truyền thống để đón mùa lễ hội mà ngay cả nhiều người Mỹ cũng không biết đến.
Lời chúc và thuật ngữ Giáng sinh ở Anh khác với Mỹ, dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ, người Anh thường nói "Happy Christmas" thay vì "Merry Christmas" (chúc mừng Giáng sinh) và gọi "Father Christmas" thay vì "Santa Claus" (ông già Noel) như người Mỹ. Theo BBC America, một số thuật ngữ khó hiểu hơn, như "Chrimbo" hoặc "Crimbo," được người Anh dùng để chỉ những hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp Giáng sinh.
Kịch câm là một trong những truyền thống đón giáng sinh của người Anh. Kịch chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích với âm nhạc, múa và các tình tiết hài hước, thu hút nhiều gia đình đón xem. Có thể kể đến như "Principal Boy", vai diễn nam chính trẻ tuổi nhưng thường do một phụ nữ thủ vai; "Panto Dame", phú bà hài hước nhưng thường do một nam diễn viên đảm trách. Truyền thống xem kịch câm của người Anh trong dịp Giáng sinh có từ thời Victoria và đã lan rộng đến nhiều nơi như Singapore và Nam Phi.
Xem quảng cáo cũng là thói quen của người Anh mùa lễ hội. Các công ty ở Anh như John Lewis, Sainsbury và Tesco thường ra mắt những bộ phim quảng cáo ngắn, cảm động, để quảng bá sản phẩm trong dịp Giáng sinh. Có thể kể đến như phim quảng cáo của John Lewis năm 2011 được mong chờ đến mức mọi người đếm ngược đến ngày đoạn phim được phát hành.
Christmas cracker hay pháo Giáng sinh có nguồn gốc từ thời Victoria. Khác với những chiếc bánh trên đĩa phô mai mà người Mỹ thường nghĩ khi nhắc đến Christmas cracker, pháo Giáng sinh ở Anh là những ống giấy màu, bên trong chứa bánh quy, đồ chơi nhỏ, câu đố vui và vương miện giấy. Người Anh có truyền thống kéo hai đầu pháo để tạo ra tiếng kêu rắc rắc và lấy quà bên trong, đồng thời đội vương miện giấy trong suốt bữa tiệc Giáng sinh.
Bánh pudding Giáng sinh hay pudding quả sung, pudding mận truyền thống ở Anh là loại bánh hấp với nguyên liệu là trái cây khô ngâm trong rượu. Sau bữa tối, người Anh sẽ dùng kỹ thuật châm lửa lên bánh trước khi thưởng thức, tạo ra hiệu ứng "lửa" ấn tượng và làm tăng hương thơm của rượu ngâm trong bánh. Nữ hoàng Elizabeth II thường tặng mỗi nhân viên của mình một chiếc bánh pudding Giáng sinh từ thương hiệu Tesco.
Từ năm 1964 đến 2006, BBC phát sóng chương trình âm nhạc Giáng sinh đặc biệt "Top of the Pops" hàng tuần, với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng và những bài hát thịnh hành trong năm. Khi chương trình ngừng phát sóng, nhiều người đã cảm thấy thất vọng, vì vậy nhà đài quyết định mở lại chương trình vào buổi sáng ngày 25/12.
Vua George V có bài phát biểu Giáng sinh thường niên trên chương trình radio Royal Christmas Message kể từ năm 1932. Từ năm 1957, Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu phát sóng bài phát biểu của mình trên truyền hình, thường bàn về các vấn đề hiện tại và chia sẻ suy nghĩ về ý nghĩa của Giáng sinh. Bài phát biểu trở thành thông lệ người Anh thường theo dõi dịp lễ hội này.
Ngày lễ tặng quà sau Giáng sinh ở Anh - Boxing Day, không phải là ngày hội toàn dân vứt bỏ hộp quà Giáng sinh hay kỷ niệm môn thể thao boxing như nhiều người Mỹ nghĩ. Ngày tặng quà được cho là bắt nguồn từ truyền thống của quý tộc Anh, khi họ thưởng tiền cho người giúp việc hoặc phát quà cho người nghèo, vô gia cư trong Mùa Vọng.
Người Anh có truyền thống dỡ bỏ cây thông và đồ trang trí sau Giáng sinh 12 ngày để tránh gặp xui xẻo. Quan niệm này gắn liền với "Twelve Nights" (12 đêm), bắt đầu từ khi ba nhà thông thái đến chiêm bái Chúa Jesus ra đời trong hang đá đến lễ Hiển linh, đánh dấu mùa Giáng sinh kết thúc.
Hà Phương (Theo Business Insider)