Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP HCM do Cục thống kê đưa ra mới đây, cơ quan này đánh giá 3 tháng qua tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, 9 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 363.300 tỷ đồng, giảm 17,4% so cùng kỳ, trong đó ngành lưu trú, ăn uống giảm 30,5%, lữ hành giảm 56,2%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 220.300 tỷ đồng, giảm hơn 29% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm của thành phố tăng 2,57% so cùng kỳ.

Nhiều người dân mua đồ tại cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, trong ngày đầu tiên TP HCM nới lỏng giãn cách. Ảnh: Quỳnh Trần
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM hôm 2/10, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết doanh nghiệp và nền kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thu ngân sách thành phố năm 2021 có khả năng năng không hoàn thành nhiệm vụ.
Lãnh đạo thành phố dẫn chứng bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP HCM thu khoảng 1.800 tỷ (hơn 198.500 tỷ đồng) nhưng tháng 7-8 năm nay, mức thu mỗi ngày chỉ đạt 700 tỷ đồng và đến tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với bình thường.
Năm nay, Trung ương giao chỉ tiêu TP HCM thu ngân sách 365.000 tỷ đồng, tức bình quân một ngày thu 1.500 tỷ đồng. Năm 2019, thành phố thu gần 410.000 tỷ đồng; năm 2020 ảnh hưởng dịch chỉ thu được 371.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, thu ngân sách thành phố chiếm 25-27% tổng thu cả nước.
Sau hơn 120 ngày siết chặt giãn cách, từ 1/10 TP HCM ban hành Chỉ thị 18 với nhiều nội dung nới lỏng kiểm soát để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá ban đầu, sau khi thành phố dần "mở cửa", nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tái hoạt động nên không khí thành phố nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM đang thiếu công nhân do nhiều người về quê.
Hữu Công